Cho thuê tài chính - Thả gà ra đuổi (2011-06-21 04:34:00)
Cho thuê tài chính (CTTC) là hoạt động tín dụng trung và dài hạn thông qua cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác… theo hợp đồng giữa bên cho thuê với bên thuê.
Bên cho thuê cam kết mua máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển… theo yêu cầu của bên thuê và nắm giữ quyền sở hữu đối với tài sản cho thuê; bên thuê sử dụng và thanh toán tiền thuê trong thời hạn đã được hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên, các công ty CTTC hiện đang lâm vào cảnh "thả gà ra đuổi" - Vì sao?
|
Tư vấn dịch vụ cho thuê tài chính của ACB Leasing cho khách hàng. |
Lợi đâu chẳng thấy…
Có khá nhiều vụ việc mà công ty CTTC tìm bên thuê đỏ con mắt bên phải, ngứa con mắt bên trái mà vẫn không thu hồi nổi tài sản cho thuê. Chẳng hạn, theo hợp đồng CTTC số 42/2001/HĐCTTC ngày 19-7-2001 và hợp đồng CTTC số 62/2002/HĐCTTC ngày 5-6-2002, Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 818 (Công ty 818) tiếp nhận từ Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài sản gồm thiết bị, máy móc thi công công trình giao thông. Do Công ty 818 không trả được nợ nên bên cho thuê đã ra quyết định và thông báo thu hồi tài sản (theo hợp đồng). Sau khi thu hồi được một số tài sản mà doanh nghiệp này đang sử dụng tại Hà Nội, bên CTTC phải cử đoàn cán bộ lặn lội đến vùng biên giới Việt - Lào tại Sơn La để thu hồi nốt. Sau nhiều ngày vất vả băng rừng vượt suối… bằng chân, nhân viên công ty CTTC mới "tiếp cận" được tài sản thuê. Nhưng khi tiến hành thu hồi, họ bị một nhóm người xưng là "người làm cho Công ty 818" ngăn chặn, cản trở, đe dọa với lý do Công ty 818 nợ tiền công nên họ giữ lại tài sản để… trừ nợ. Cực chẳng đã, nhân viên công ty CTTC phải trắng tay ra về và buộc phải nhờ đến cơ quan chức năng "can thiệp". Oái oăm thay, cũng thời gian này, Công ty 818 giải thể và đến giờ bên cho thuê vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc doanh nghiệp thuê tài chính cố tình chây ỳ, lần lữa… Thậm chí, không ít trường hợp họ còn cố tình bỏ trốn hoặc chuyển giao tài sản trái phép cho bên thứ ba.
Có thể kể đến cái tên Xí nghiệp Xây dựng Xuân Viên. Theo hợp đồng CTTC số 05.2095.00991/HĐCTTC ngày 21-6-2005 ký kết với Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tài sản Xuân Viên thuê là một máy lu rung YZ14JC và một máy xúc Kobelko bánh lốp. Do Xuân Viên không thanh toán được tiền thuê, bên cho thuê đã quyết định thu hồi tài sản. Doanh nghiệp này hứa hẹn sẽ tập kết tài sản tại xã Thụy Lôi (Tiên Lữ, Hưng Yên) nhưng khi bên cho thuê đến thì chủ doanh nghiệp biến mất, liên lạc cũng không được. Tiếp xúc với gia đình chủ doanh nghiệp, các nhân viên công ty CTTC không nhận được sự hợp tác nào trong khi đó công an xã Thụy Lôi, nơi chủ doanh nghiệp đăng ký hộ khẩu thường trú, trả lời "hộ khẩu vẫn nguyên nhưng không có mặt trên địa bàn, không rõ đi đâu". Nhận thấy dấu hiệu của việc cố tình trốn tránh, chiếm đoạt tài sản, Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã có công văn nhờ cơ quan công an điều tra nhưng đến giờ tài sản cho thuê vẫn bặt bóng chim tăm cá.
Một "quả đắng" nữa mà Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam "dính" liên quan đến Công ty CP In thiết bị giáo dục khuyến học. Ngày 18-1-2005, công ty này ký hợp đồng CTTC số 05-2549-00970/HĐCTTC, thuê của Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 2 máy in tờ rời do Nhật Bản sản xuất. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên thuê đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê, bên cho thuê quyết định chấm dứt hợp đồng, thu hồi tài sản. Tuy nhiên, khi đến hẹn bàn giao thì giám đốc bên thuê biến mất. Xác minh bên cho thuê ngã ngửa khi biết "một bên thứ ba" đang nắm giữ tài sản thuê nhưng từ chối cho công ty CTTC tiếp cận. Vụ việc được chuyển đến cơ quan công an nhưng bị "treo" vô thời hạn do ngay cả cơ quan công an cũng chưa xác minh, liên lạc được với vị giám đốc khả kính của Công ty CP In thiết bị giáo dục khuyến học…
Bắc thang lên hỏi... "ông giời"
Thời gian gần đây, Công ty CTTC II (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - ALCII - đang gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý, thu hồi tài sản cho thuê là tàu biển, đặc biệt với tài sản bị bắt giữ, thậm chí bị khách hàng… bỏ rơi ở cảng biển nước ngoài. Trong trường hợp này, ALCII vướng phải một loạt vấn đề như đời sống, quyền lợi thuyền viên, các khoản nợ còn tồn đọng của tàu, đặc biệt các chi phí thu hồi rất lớn nhưng chưa có bất kỳ cơ chế, quy định rõ ràng nào cho phép và hướng dẫn hạch toán.
"Than thở" như trên, ông Hoàng Ngọc Tiến, Giám đốc ALCII kể thêm nhiều trường hợp khách hàng thuê "thiếu thiện chí" hoặc chủ tâm lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Ông Tiến cho hay, trong những trường hợp ấy việc thu hồi tài sản còn khó khăn gấp nghìn lần. Nhân viên xử lý nợ phải thực hiện công việc không khác gì điều tra viên. Ngoài một số tài sản CTTC của ALCII là tàu biển bị bắt hoặc bị bỏ rơi, có nhiều trường hợp tài sản mà công ty "nhìn được, sờ được" nhưng… không thể thu hồi do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ông Bùi Văn Khen, Giám đốc Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng thấm thía cảnh ngộ này. Đã nhiều lần, thuộc cấp của ông phải lặn lội đến những vùng sâu, vùng xa, thậm chí phải băng rừng vượt núi để tiếp cận tài sản thuê (ở trên đã đề cập). Đối với tài sản CTTC là tàu biển thì việc… nhìn thấy tài sản cũng đã khó khăn, nhất là khi không thể liên hệ được với chủ tàu. "Có trường hợp công ty không thể thu hồi được tài sản thuê do bên thuê tự ý chuyển giao cho bên thứ ba và bên thứ ba kiên quyết cho rằng đó là tài sản của mình. Hoặc nhiều trường hợp bên thuê sau khi nhận được thông báo, quyết định thu hồi đã nhanh chóng tháo dỡ các bộ phận, thiết bị có giá trị lớn như trên tàu biển chẳng hạn"… ông Khen kể.
Hoạt động ở Việt Nam đã được 16 năm nhưng CTTC dường như không phải con gà đẻ trứng vàng. Trái lại, trong không ít trường hợp, doanh nghiệp CTTC chỉ ao ước đòi lại được tài sản cho thuê thôi mà cũng chỉ còn cách bắc thang lên hỏi ông giời. Ông Đàm Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội CTTC Việt Nam "tổng kết": "Trong lĩnh vực CTTC đã xảy ra nhiều trường hợp bên thuê không trả được nợ, không trả tài sản thuê do các lý do bất khả kháng như thua lỗ, phá sản song cũng nhiều trường hợp cố tình không trả nợ, tài sản thuê nhằm chiếm dụng vốn, gây ra không ít khó khăn cho bên cho thuê. Có trường hợp, đoàn thu hồi tài sản cho thuê đến, doanh nghiệp không những không tiếp mà còn… xua chó ra đuổi hoặc không cho cán bộ công an là đại diện cơ quan có thẩm quyền vào mặc dù theo quy định, việc thu hồi tài sản cho thuê được tiến hành tại nơi có tài sản cho thuê với sự chứng kiến của cơ quan công an các cấp nơi có tài sản cho thuê. Vì thế, có trường hợp đã có quyết định thu hồi tài sản cho thuê của tòa án từ cuối năm 2000 đến nay vẫn chưa thực hiện được".
Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam!
Không chỉ phải đối mặt với tình trạng doanh nghiệp thuê chây ỳ, lần lữa, thậm chí lừa đảo, các công ty CTTC đôi khi cũng vướng phải cả vụ việc có một không hai khi bên thuê kiện ngược việc thu hồi, xử lý tài sản thuê. Xin dẫn ra một ví dụ: Công ty CTTC Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty CTTC Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hợp vốn cho Công ty CP Vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định (Công ty Bình Định) thuê tàu BinhDinhstar chạy tuyến quốc tế. Bên thuê không trả được nợ, bên hợp vốn cho thuê quyết định dừng hợp đồng, thu hồi tài sản thuê song Công ty Bình Định không chịu bàn giao ngay. Sau rất nhiều lần thương thảo, việc thu hồi mới được thực hiện. Sau đó, hai công ty CTTC bán tài sản cho thuê này. Phía Công ty Bình Định đã kiện bên cho thuê "bán tài sản không theo quy định của pháp luật". Tòa án đã ra phán quyết hai công ty CTTC thực hiện đúng việc bán tài sản và buộc Công ty CP Vận tải công nghiệp tàu thủy Bình Định trả nốt số nợ còn thiếu. Công ty này không nghe và tiếp tục đệ đơn dù rằng cái lý không thuộc về họ…
(Còn tiếp)
Nguyên An
Nguồn: hanoimoi.com.vn