Nhiều ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá cao việc ban hành quy định này và cho rằng đây là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ
Trước đây, Đảng và Nhà nước đã có một số văn bản đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể. Quy định 132 đã nêu rõ nội dung, nguyên tắc, phương thức kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án; trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được xem là nhiệm vụ xuyên suốt, hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quản lý, vận hành, giám sát bộ máy chính trị, đặc biệt là khối tư pháp. Trong hoạt động tố tụng, thi hành án, tham nhũng, tiêu cực diễn ra theo nhiều hình thức, gây ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình giải quyết vụ việc, vụ án cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; làm họ suy giảm, mất niềm tin vào công lý, pháp luật.
Quy định 132 phù hợp với thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, người dân. Nhiều ý kiến của cán bộ đảng viên và nhân dân ủng hộ, đánh giá cao nội dung trong điều 6, chương II chỉ rõ, chi tiết 28 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.
Đảng viên Trần Văn Thìn, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội rất ủng hộ và tâm đắc với nội dung: Đối với lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị “Được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin thôi giữ chức vụ, từ chức, xin nghỉ công tác trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Nội dung này vừa khuyến khích cán bộ lãnh đạo có sai phạm nghỉ việc, vừa thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần mạnh tay hơn nữa, xử lý nghiêm vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị phát hiện, nhất là vụ việc gây bức xúc lớn trong nhân dân. Đồng thời vẫn cần phải nâng cao nhận thức về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án đến từng cán bộ, đảng viên; minh bạch hóa, công khai các vụ việc để nhân dân tham gia vào quá trình giám sát, đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ…
“Tảng đá” vững chắc trong thành trì chống tham nhũng
Có thể thấy, Quy định 132 là một bước tiến lớn trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát quyền lực ngay từ gốc rễ là biện pháp hữu hiệu, khiến cho những người có ý muốn tham nhũng, tiêu cực phải suy nghĩ lại. Nhờ đó, vấn nạn tham nhũng, tiêu cực sẽ được hạn chế, giúp cải thiện lòng tin của người dân đối với công tác điều tra, xét xử.
Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng Quy định số 132 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có vị trí, vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động tư pháp và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân, mọi cấp, ngành.
Luật sư Hà Huy Từ tán thành phạm vi điều chỉnh của Quy định, ghi rõ trong khoản 1, Điều 1 là: Quy định này quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Quy định 132 còn bao phủ đến các hoạt động như tương trợ tư pháp và hợp tác quốc tế khác; giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác… Nghĩa là phạm vi điều chỉnh bao phủ, vươn tầm đến nhiều lĩnh vực trong đời sống chính trị, xã hội, pháp lý.
“Đây tiếp tục là “tảng đá” vững chắc trong thành trì chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đã phát động và quyết liệt triển khai, góp phần rất quan trọng tạo thêm độ tin tưởng, vững tâm cho người dân khi phản ánh các vụ việc, các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực”, Luật sư Hà Huy Từ nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, những người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại sẽ có thêm động lực, cơ sở pháp lý khi được các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ để vững tâm hơn trên con đường đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chống cái xấu, trì trệ. Ngoài ra Quy định 132 của Bộ Chính trị cũng có tính chất như “bộ lọc” pháp lý quan trọng, loại bỏ hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án… Như vậy, về mặt tổng thể, Quy định vừa có tính bao quát, vừa có những quy định rất chi tiết, cụ thể; chắc chắn sẽ có độ lan tỏa cao trong đời sống và được nhân dân đồng tình, ủng hộ…