TTXVN - Trong hai ngày 21, 22/10, tại Hà Nội, Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) tổ chức Hội nghị tập huấn với chủ đề "Nâng cao nhận thức và tư vấn pháp luật về an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử đối với phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số" tại huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Đây là Hội nghị tập huấn đầu tiên được tổ chức tại xã Vân Hòa huyện Ba Vì, được triển khai thông qua sáng kiến "Nâng cao nhận thức và tư vấn pháp luật về an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử đối với phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số" của Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng. Đây cũng là một trong số 18 sáng kiến được tài trợ của Quỹ thúc đẩy sáng kiến tư pháp (JIFF) thuộc khuôn khổ Dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, luật sư Hà Huy Từ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng cho biết, Dự án sẽ triển khai 25 Hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật về an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử tại hai huyện Ba Vì và Phúc Thọ (Hà Nội) cho các cán bộ Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên và phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số tại địa phương. Từ nay đến hết tháng 4/2024, Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người nghèo và Phát triển cộng đồng sẽ tiếp tục tổ chức thêm 100 buổi tư vấn miễn phí cho khoảng hơn 4.000 người là phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn 20 xã thuộc hai huyện Ba Vì và Phúc Thọ.
Tại Hội nghị, các luật sư giới thiệu quy trình xây dựng mạng lưới truyền thông, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, giao dịch điện tử; những quy định của pháp luật về giao dịch điện tử trong giao dịch dân sự như: Trao đổi thư điện tử, giao kết hợp đồng trên mạng, thảo luận, họp trên không gian mạng...
Luật sư Hà Huy Từ cho biết: Hiện nay, mạng internet được coi là công cụ, phương tiện quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển mạnh trong một thế giới cạnh tranh và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tính hai mặt của công nghệ internet đang là thách thức đối với việc thực thi luật pháp, nhất là trong việc điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng internet nhằm truyền đưa, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, trên môi trường mạng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân ở tầm quốc gia sử dụng mạng để đánh cắp, thỏa hiệp hoặc phá hủy dữ liệu quan trọng của quốc gia khác. Vì vậy, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang đứng trước các mối đe dọa từ các tội phạm trên môi trường mạng. Một số tội phạm chỉ tồn tại trong thế giới kỹ thuật số, đặc biệt với mục tiêu phá hoại an toàn của mạng máy tính và dịch vụ trực tuyến; sử dụng mạng làm công cụ để mở rộng phạm vi ảnh hưởng; tiến hành hoạt động gián điệp hoặc gây ảnh hưởng đến hoạt động của Chính phủ để phá hoại nền kinh tế; truyền bá thông tin sai lệch, làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng hoặc tìm kiếm lợi thế trong xung đột mạng.
Việc tấn công vào các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế của đất nước. Các nhóm tội phạm khác nhau như: khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước đang hoạt động hiện nay nhằm mục đích xâm hại lợi ích của Việt Nam trên mạng. Tất cả những vấn đề trên đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin cần phải giải quyết để bảo đảm một môi trường phát triển ổn định.
Các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thông tin còn có những vấn đề bất cập như: thiếu các quy định về phân loại cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin, quy định quản lý sản phẩm an toàn thông tin cũng như quản lý dịch vụ an toàn thông tin... Vì vậy, Việt Nam cần có các quy định pháp lý về an toàn thông tin để nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm an toàn thông tin, tạo môi trường bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
"Hội nghị tập huấn giúp cán bộ, người dân có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng khi làm việc trên môi trường mạng, biết cách phân biệt thông tin xấu, độc trên mạng internet để không lan truyền, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc thông tin xấu, độc; đồng thời biết cách khai thác hiệu quả nguồn thông tin quan trọng, hữu ích, cần thiết trên mạng để phục vụ cho cuộc sống, công việc và kinh doanh. Đây là hành động thiết thực, hiệu quả giúp đất nước chúng ta mạnh mẽ hơn khi xây dựng và thực hiện chiến lược xây dựng công dân số, xã hội số và Chính phủ số", luật sư Hà Huy Từ nhấn mạnh./.