Bênh chằm chặp
Bà Đoàn Thị Bé Mười (SN 1941, ngụ Đào Duy Từ, P6Q10, TPHCM) gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo cựu công chứng viên Phạm Đức Hùng vi phạm pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại được tín nhiệm ngồi lên ghế Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư (LS) tỉnh Long An. Xác minh làm rõ, Báo CATP đã đăng bài Tha bổng cựu công chứng viên làm bậy trên số ra ngày 7-8-2012, khẳng định tố cáo của bà Mười là có cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An có văn bản gửi Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh chỉ đạo kiểm tra toàn bộ nội dung đơn tố cáo của bà Mười, giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Ngày 28-8-2012, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Trần Minh Mẫn ký văn bản 776/BC-STP gửi Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh, nêu rõ: Tháng 1-1990, ông Hùng được UBND tỉnh Long An bổ nhiệm công chứng viên, làm việc tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh cho đến tháng 12-1992. Quá trình thực hiện, ông Hùng có công chứng vụ việc liên quan đến yêu cầu chia tài sản chung của gia đình họ Đoàn ở thị xã (nay là thành phố) Tân An. Theo kết luận điều tra số 22/KL-CQĐT ngày 25-6-2009 của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Tân An, ông Hùng đã tự gạch xóa, ghi xác nhận thêm vào tờ cam kết của anh chị em bà Mười. Hành vi này có dấu hiệu về tội “giả mạo trong công tác” được quy định tại điều 284 BLHS. Tuy nhiên cơ quan CSĐT không khởi tố vụ án vì “thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công chứng viên Hùng hiện không còn”... Ông Hùng gia nhập Đoàn LS tỉnh Long An tháng 11-1998 và hành nghề LS từ năm 2001 đến nay. Ngày 14-1-2012, Đoàn LS tỉnh Long An tổ chức đại hội, ông Hùng trúng cử chức danh phó chủ nhiệm. Quy trình bầu ông Hùng giữ chức Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An đảm bảo tính hợp lệ, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Giám đốc Mẫn cho biết thêm, Sở Tư pháp cũng nhận được văn bản của Văn phòng UBND tỉnh Long An kèm theo đơn của LS Lê Văn Thảnh chỉ ra sai phạm của ông Hùng khi còn làm công chứng viên và kiến nghị không đưa ông này vào Ban chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh. Giám đốc Mẫn cho rằng kiến nghị không có cơ sở (?!) và kết luận: “Ông Hùng đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề LS, không thuộc trường hợp bị bãi miễn, miễn nhiệm các chức danh lãnh đạo đoàn LS”. Tiếp tục hành trình tìm công lý Bà Đoàn Thị Bé Mười không tin vào mắt mình khi xem văn bản 776/BC-STP: “Thật khó ngờ, Giám đốc Sở Tư pháp Trần Minh Mẫn lại có thể ký một văn bản như thế báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. Ông Hùng không bị khởi tố do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng hành vi vi phạm pháp luật về tội “giả mạo trong công tác” của ông này được quy định tại điều 284 BLHS đã rành rành. Một người vi phạm pháp luật như ông Hùng sao xứng đáng làm LS, nói chi đến chức Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An? Vậy mà Giám đốc Mẫn lại “ca” ông Hùng đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Tôi tin Tỉnh ủy Long An sáng suốt để không bị qua mặt”. Bà Mười tiếp tục làm đơn tố cáo ông Hùng đồng thời đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An làm rõ trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp Trần Minh Mẫn trong việc bênh vực LS Hùng vi phạm pháp luật. Nghiên cứu hồ sơ, LS Phan Văn Bé (Văn phòng LS Thiện Bá Vương) cho rằng việc tha bổng công chứng viên Hùng không đúng quy định pháp luật. Thông tư liên tịch số 02 ngày 25-12-2001 của TAND tối cao - VKS tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp quy định rõ: tài sản thiệt hại có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên được xác định là “đặc biệt nghiêm trọng”. Nhà đất số 23 Nguyễn Trung Trực, P2, TP.Tân An mà công chứng viên Hùng ký giả mạo được tòa án định giá đến 4,5 tỷ đồng. Như vậy hành vi của ông Hùng gây hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” thuộc khoản 4 điều 284 BLHS với thời hiệu truy cứu hình sự là 20 năm, không phải 15 năm như kết luận của Cơ quan CSĐT và VKS thị xã Tân An. Do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Long An cần lật lại hồ sơ, khởi tố vụ án, điều ra làm rõ hành vi của công chứng viên Hùng để không bỏ lọt tội phạm. Liên quan đến vụ việc này, sau khi công luận lên tiếng, VKS tối cao đã chỉ đạo VKS tỉnh Long An kiểm tra, báo cáo lãnh đạo VKS tối cao phụ trách và Vụ 1B, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKS tối cao để theo dõi. Ngoài tố cáo gay gắt cựu công chứng viên Hùng, anh em bà Mười đã khởi kiện tranh chấp tài sản chung. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 13-12-2011, TAND TP.Tân An do thẩm phán Lương Minh Trí ngồi ghế chủ tọa tuyên bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn. Mất trắng tài sản, bà Mười và bốn anh chị ruột phải nộp hơn 118 triệu đồng án phí. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 4-7-2012, TAND tỉnh Long An với HĐXX gồm ba thẩm phán: Trần Văn Quán (chủ tọa), Dương Thị Sáu và Lê Thị Kim Nga tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án. Điều đáng lưu ý, ông Hùng được tòa phúc thẩm triệu tập nhưng xin vắng mặt vì “không còn nhớ gì cả, mong tòa chia sẻ, cảm thông” (?!). Đưa ra nhiều bằng chứng, bà Mười cho rằng TAND tỉnh Long An đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định pháp luật, trái với ý kiến của TAND tối cao yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Long An chỉ đạo TAND TP.Tân An thụ lý giải quyết đơn kiện của bà Mười. Bà còn chỉ ra ba điểm không đúng của bản án phúc thẩm. Được biết, phía bà Mười đã làm đơn khiếu nại, đề nghị TAND tối cao xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Bà nghẹn ngào: “Gia đình, dòng họ tôi phải rơi vào cảnh nồi da xáo thịt, dẫn đến kiện tụng vô cùng khổ sở, oan ức. Tất cả đều do công chứng viên Phạm Đức Hùng làm bậy mà ra. Vậy mà ông ta vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, lại còn chễm chệ trên chiếc ghế Phó chủ nhiệm lãnh đạo Đoàn LS tỉnh Long An. Dù thế nào, tôi cũng quyết đi tìm công lý...”.