Sửa chữa vặt Sửa vặt nhanh Sua chua vat Sua vat nhanh Sửa điện nước tại nhà
GIỚI THIỆU CÔNG TY

Công ty Luật Hà Huy, điện thoại 0913.577.696 (Việt Nam), (0049)017.657.759.572 (Châu Âu) tên giao dịch quốc tế "HAHUY LAW FIRM" được Sở Tư pháp TP Hà Nội cấp giấy phép hoạt động ngày 03/11/2009. Nhãn hiệu Công ty được bảo hộ tại Việt Nam, Ba Lan, Séc và Cộng hòa liên bang Đức. Luật sư Công ty là những chuyên gia pháp...
Hỗ trợ trực tuyến
My status
        Tin tức - Nghiên cứu, học thuật
Nhận diện và cảnh giác với tham vọng của TQ
(2012-08-20 03:53:00)

Trước tiên, chúng ta phải nhận diện rõ chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi để người dân Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á và thế giới thấy rõ, không mơ hồ.

Trước luận điểm hết sức phi lý của Trung Quốc về “đường lưỡi bò,” Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Thạc sĩ, nghiên cứu sinh Nguyễn Hùng Cường, Giảng viên Bộ môn Luật quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã viết cuốn sách “Thềm lục địa trong pháp luật quốc tế” nhằm khảo luận những kiến thức cơ bản nhất về thềm lục địa dưới góc độ luật pháp quốc tế.
Cuốn sách này đã khẳng định chủ quyền lịch sử, pháp lý không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ, ít nhất từ thế kỷ XVI đã thực thi một cách thực sự, hòa bình, công khai và liên tục. 

Vị học giả cả đời nghiên cứu về Luật Quốc tế và Luật Biển của Việt Nam đã khẳng định hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chính là “tranh sổ đỏ” của các nước láng giềng.

Phi lý "đường lưỡi bò"

- Thưa ông, cuốn sách “Thềm lục địa trong Pháp luật quốc tế” được hình thành trong bối cảnh thế nào?
 
- Thời điểm bắt đầu đặt bút viết cuốn sách là hơn một năm, kể từ khi tàu của Trung Quốc vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam cắt cáp và quấy phá tàu thăm dò khai thác dầu khí của chúng ta. Tuy nhiên, đây là sản phẩm-kết quả của một quá trình đã được chúng tôi nghiên cứu khá lâu rồi, nhất là khi Việt Nam chuẩn bị Báo cáo Quốc gia xác định ranh giới ngoài thềm lục địa của Việt Nam trình Uỷ ban ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên Hợp Quốc và tôi là một trong những người được giao soạn thảo phần báo cáo pháp lý của bản Báo cáo này.

Đặc biệt, một sự kiện càng thôi thúc chúng tôi nghiên cứu và viết cuốn sách này là việc ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm và bản đồ “đường lưỡi bò” lên Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam và Malaysia gửi báo cáo riêng và chung về xác định ranh giới ngoài một phần thềm lục địa của mình. Điều đó cho thấy đây là một hành động phi lý, ngang ngược, bộc lộ công khai chiến lược bành trướng, độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như của các nước khác ở Biển Đông đối với các vùng biển và thềm lục địa của mình đã được Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp quốc quy định. 

Điều 76 của Công ước Luật biển có quy định hết sức rõ ràng: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính toán chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi mép ngoài của rìa lục địa ở khoảng cách gần hơn.”

Như vậy, rõ ràng công ước luật biển đã cấp “số đỏ” cho mỗi quốc gia ven bờ, trong đó có Việt Nam, không những đối với nội thủy và lãnh hải của mình mà còn đối với Vùng đặc quyền về kinh tế và Thềm lục địa với bề rộng tối thiểu 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Những quyền này là thiêng liêng và bất khả xâm phạm!

Là một cường quốc-thành viên thường trực Hội đồng Bảo an của Liên hợp quốc và đồng thời thành viên Công ước Luật biển năm 1982, đáng ra Trung Quốc, hơn ai hết, phải tôn trọng các quy định của Công ước, càng phải thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong việc tuân thủ các nguyên tắc và quy phạm pháp luật quốc tế. Tiếc rằng, Trung Quốc lại hành động ngược lại. 

Với việc đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” mơ hồ, phi khoa học, không những Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà còn tự làm mất đi hình ảnh “ trỗi dậy hòa bình” và tự cô lập trên trường quốc tế.

Theo Luật quốc tế, làm gì có chuyện một quốc gia lại tự mình đơn phương vẽ ra một cái đường rồi nói là biên giới/ranh giới quốc gia của mình được?! Nếu đó là đường biên giới, thì phải hoạch định một cách bài bản và thảo luận với các quốc gia liên quan theo một nguyên tắc và quy trình chặt chẽ, dựa trên điều ước quốc tế về hoạch định biên giới/ranh giới. Không một quốc gia nào được quyền đơn phương hoạch định biên giới/ranh giới quốc gia của mình. Bởi vậy, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị nhiều chuyên gia cho rằng, đó là hành vi “xâm lược bằng bản đồ.”

- Ra đời trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, cuốn sách sẽ có ý nghĩa như thế nào?

- Cuốn sách này trình bày và luận giải những vấn đề lý luận cơ bản và chuyên sâu của luật biển quốc tế về thềm lục địa như: Khái niệm khoa học địa chất, khoa học pháp lý về thềm lục địa; Quy chế pháp lý của thềm lục địa, xác định ranh giới thềm lục địa theo quy định pháp luật quốc tế; Phân định thềm lục địa của các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau…

Bên cạnh những vấn đề cơ bản, cuốn sách còn phân tích thực tiễn phân định và giải quyết tranh chấp về thềm lục địa của một số quốc gia trên thế giới thông qua các án lệ điển hình của cơ quan tài phán quốc tế. Đồng thời, cuốn sách đã đưa ra các luận chứng lich sử-pháp lý chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là những nghiên cứu bước đầu, góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận và thực tiễn pháp lý về thềm lục địa, giúp quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về quy chế pháp lý và thềm lục địa, phân định thềm lục địa giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta.

Đầu tư mặt trận pháp lý

- Cuốn sách ra đời đã thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Kế hoạch tiếp theo của ông là gì?

- Còn rất nhiều việc phải làm và chúng ta có rất nhiều chứng cứ để nói về sự sai trái của Trung Quốc trong những yêu sách và hành vi của họ trên Biển Đông trong thời gian qua. Thời gian tới, tôi và các cộng sự sẽ cho ra một bộ sách chuyên khảo về vấn đề này.

Chúng ta tôn trọng tình hữu nghị với Trung Quốc và luôn coi Trung Quốc là một “nước láng giềng” đúng với nghĩa đầy đủ của từ này. Nước láng giềng khác với “nhà hàng xóm láng giềng,’’ vì nếu nhà hàng xóm mà chơi không tốt, chơi bẩn thì ta có thể bán/bỏ nhà mà đi, còn với nước láng giềng, thì không thể có chuyện bỏ đất, bỏ biển mà đi được. Hòa hiếu lân bang là truyền thống giữ nước hàng ngàn năm qua của dân tộc mình. Nhất là trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, hợp tác và hữu nghị phải là sợi chỉ đỏ và là nền tảng của chiến lược phát triển và chấn hưng đất nước. 

Tuy nhiên, chúng ta không thể nhún nhịn mãi khi “anh hàng xóm không biết điều” cứ quyết tranh cướp cho được biển trời của mình. Bất kỳ một dân tộc có lòng tự trọng nào cũng không bao giờ cho phép nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ bởi nó là phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. 

Tôi nghĩ, đã là người con dân tộc Việt Nam, chúng ta đều phải góp sức mình cho sự nghiệp vĩ đại này. Là một cán bộ khoa học, chúng tôi tâm niệm rằng cần phải tiếp tục đóng góp sức mình trong việc đưa ra các luận cứ khách quan, khoa học cũng như các bằng chứng lịch sử-pháp lý nhằm khẳng định cái đúng, bảo vệ lẽ phải, để toàn nhân dân ta càng thêm tự hào và quyết tâm trong quộc đấu tranh chính nghĩa vì chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Bên cạnh đó là việc tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới cũng như của chính nhân dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và công lý. 

- Theo ông, để bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo, chúng ta sẽ phải làm gì?

- Trước tiên, chúng ta phải nhận diện rõ chiến lược mà Trung Quốc đang theo đuổi để người dân Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á và thế giới thấy rõ, không mơ hồ. Một học giả nước ngoài hoàn toàn có lý cho rằng, “sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông chỉ là một phần của kế hoạch bành trướng tổng thể, bao gồm 'bành trướng cứng' như hành động trên biển, trên đất liền và 'bành trướng mềm' như tăng cường hiện diện ở tất cả các nơi có tiềm năng lợi ích về tài nguyên, dầu mỏ, địa chính trị... cho Trung Quốc”.

Chúng ta phải nhận diện rõ và cảnh giác với tham vọng này cũng như có chiến lược tổng thể và toàn diện về mọi mặt nhằm nâng cao tiềm lực và khả năng tự vệ, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, an ninh quốc phòng, chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ, phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng… Đặc biệt, cần có sự đầu tư thích đáng cho mặt trận pháp lý.

Tôi rất thích một câu nói của Pier Đại đế: “Cần thiết phải giải thích những quyền lợi của đất nước là gì, và làm cho dân chúng hiểu được điều này thì không một kẻ thù nào dám xâm phạm bờ cõi của chúng ta.” Cũng đúng như đường lối của Đảng và Nhà nước ta hiện nay là dân biết, dân bàn… Bởi vậy, công tác truyền thông về vấn đề chủ quyền lãnh thổ là hết sức quan trọng.

 

Theo Vietnam Plus