Trước mặt chùa có giếng Chuông, là một giếng cổ “rộng như cái ao” có cầu lên xuống được ghép bằng đá tảng, giếng là nơi dân cả vùng Tiên Linh - Thái Lão (Kẻ Triềng), thường đến lấy nước về ăn. Bên phải chùa là khu sân hội - một vùng đất cao ráo, được dùng làm sân chơi cho làng. Những ngày lễ hội, tại đây làng thường cắm nêu, dựng cờ, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, leo cột, chọi gà… huyên náo. Chùa có hẳn mấy mẫu ruộng cho dân cày cấy, hàng năm thu hoa lợi, phục vụ việc hương đèn, xôi oản.
Bên trái chùa là khu nhà Thánh, gồm 2 dãy 10 gian lim dổi, lợp ngói, xây tường, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. Hàng năm vào Rằm tháng 8, làng lại tổ chức tế Thánh với đầy đủ quan viên, chức sắc và những người có học, nhằm vinh danh đạo Nho và cầu mong sự học cho làng. Mỗi lần tế Thánh, làng đều tổ chức rước kiệu long trọng, các xóm trong làng luân phiên nhau đảm nhiệm. Chùa, nhà Thánh, giếng Chuông, sân hội gắn kết với nhau như một thể thống nhất, tạo nên nét đặc sắc riêng trong cảnh quan văn hoá và nề nếp sinh hoạt của làng.
Thời gian đi vào quên lãng, trên cánh đồng Vang chỉ còn lại dấu tích của giếng làng, sân hội, năm 2012, người dân địa phương và phật tử gần xa đã đồng tâm, góp sức khôi phục lại chùa làng. Trên vị trí xưa, chính điện, tượng phật đã được xây dựng khang trang, các hạng mục khác như nhà tăng, cổng vào, tường bao, hệ thống cây cảnh, lối đi đang được thi công, tôn tạo. Sau bao năm chỉ còn trong ký ức, mái chùa Tiên Linh đã trở về hiện hữu như xưa, tiếp tục là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của làng, hướng mọi người đến với tấm lòng từ bi, thánh thiện. Làng còn có đền Tiên Linh thờ Cao Sơn Cao Các, với 2 toà thượng, hạ uy nghi dưới bóng đa già. Thượng điện 2 gian, hạ điện 5 gian đều làm bằng gỗ lim. Hàng năm tại đền thường làm lễ Khai Hạ, lễ Kỳ Phúc… mỗi lần tế lễ, dân làng lại tổ chức lễ rước sắc vô cùng long trọng.
Ngay trên con đường làng, trước mặt đền, có cây đa hàng trăm năm tuổi toả bóng sum suê. Cụ Chước một người dân của làng cho biết, khi tóc cụ còn để chỏm, nó đã lớn như bây giờ, trẻ em trong làng thường ra đây chơi trò trận giả. Những năm 1930 - 1931, trên cây đa này, cách mạng đã treo cờ đỏ búa liềm, kêu gọi, cổ vũ dân làng đứng dậy đấu tranh. Vượt qua mưa nắng, đạn bom, cây đa làng vẫn vươn lên xanh tốt, như là chứng tích cho bao thăng trầm, biến đổi của vùng quê này. Cây đa được xem là cây quý của làng, đang được mọi người chăm nom, gìn giữ. Với người Tiên Linh, cây đa, giếng nước, mái đền là những hình ảnh quê hương thân thuộc, đã đi vào tâm khảm của bao thế hệ.
Tiên Linh bình dị với những nét đẹp làng quê truyền thống, dẫu đã chia tay về phố, trong lòng vẫn còn vang vọng câu ca: “Làng ta vốn trước Tiên Linh/ Cây đa còn đó, vườn đình còn đây”. Vùng đất ven đô đã và đang có nhiều thay đổi, nhưng tình đất và người nơi đây thì mãi còn giữ trọn nếp làng.
Huy Thư