Trong gia đình Tôi không có ai làm báo, trong họ hàng cũng không. Tuy nhiên, niềm vui của Tôi đối với báo chí có lẽ bắt nguồn từ những ngày ấu thơ, lứa tuổi mới biết đọc đã được đọc báo Thiếu niên Nhi đồng. Tôi nhớ hồi đó báo chí còn được in khổ chữ to, giấy màu hơi nâu vàng không trắng, mịn như các loại báo bây giờ. Tôi nhớ những ảnh vẽ minh hoạ có sức lôi cuốn kỳ lạ của hoạ sĩ Tạ Lựu, mà dưới các bức ảnh, ông đều ký tên giống hình quả tạ. Những con vật thân yêu như con chó, con mèo, con nai, con voi được hoạ sĩ vẽ với đôi mắt to tròn, đen nhánh, thân hình tròn lẳn như cá trắm, cái đuôi cong cong rất sinh động, có hồn và đặc biệt là rất tình cảm, cảm giác thật gần gũi như những con thú nuôi trong nhà mình. Tôi nhớ báo còn có chuyên mục hướng dẫn làm các trò chơi cho thiếu niên, nhi đồng, mà chúng tôi ấn tượng nhất là trò chơi dùng nút nhựa chai thủ tinh, cắm các que thép để làm người máy. Bọn trẻ vùng quê nghèo chúng tôi đã làm theo, làm một cách say sưa, hứng thú và đã làm được. Những “người máy nhựa” được cắt gọt trông rất ngộ nghĩnh. Tuy nhiên, bọn trẻ chúng tôi không được vui trọn vẹn vì có đứa bị bố đánh đòn khi phát giác ra hiện tượng mất hết các nút nhựa làm bay mùi các chai rượu của bố và các chai nước mắm của mẹ không có nắp.
Có lẽ đó là trò chơi lắp ghép đơn giản đầu tiên mà chúng tôi làm. Và nói như ngôn ngữ hiện nay thì đây là phương pháp giao lưu, tương tác giữa tờ báo và bạn đọc. Thời đó, không có báo mạng, không có các trò chơi online, không có thế giới ảo, không có các quán internet thâu đêm suốt sáng, không có những đứa trẻ cận thị cắm cúi vào màn hình máy tính; cái mới, cái lạ lẫm như nhìn ra một khung trời rộng mở cho những đứa trẻ như chúng tôi đến từ báo Thiếu niên Nhi đồng, cái tờ báo với giấy màu hơi nâu vàng không trắng đó. Có lẽ báo chí đã khơi dậy trong mỗi đứa trẻ như chúng tôi những ước mơ vươn xa khỏi lũy tre làng. Nhưng hình như thực tế cuộc sống không như ước mơ vì lớn lên, mỗi người một công việc, không liên quan đến mơ ước. Có bạn hồi nhỏ ước làm bác sĩ thì lại làm thầu xây dựng; có bạn ước làm giáo viên thì lại làm công nhân. Tôi cũng mơ ước nhiều, mơ ước đẹp lắm, hoành tráng lắm, mơ mộng lắm nhưng cuối cùng lại neo đậu vào trường Luật, môi trường bị mang tiếng là khô khan, cứng nhắc. Tuy nhiên, không hiểu sao, càng học Luật, Tôi càng yêu thích môn học mình chọn và nghề nghiệp Luật sư hiện tại của mình. Và như lẽ đương nhiên, như một sự tiếp nối niềm vui của tuổi trẻ, Tôi lại tìm đến các báo chí chuyên ngành để tìm kiếm thông tin, học hỏi và nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng công việc.
Do đòi hỏi nghề nghiệp công việc nên Tôi phải thường xuyên thông tin trên các báo pháp luật. Trong số các báo pháp luật thì Tôi thường xuyên đọc báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh vì thông tin và tin bài đa dạng, nhiều chiều, đi sâu và phản ánh các vấn đề gai góc của cuộc sống muôn màu, chứ không chỉ là việc đưa tin đơn thuần. Tờ báo này còn giải đáp các tình huống pháp luật rất thiết thực cụ thể mà chắc chắn những người như Luật sư chúng tôi cũng cần phải học hỏi vì tình huống cuộc sống cực kỳ đa dạng và sinh động, không giống như lý thuyết xám xịt, không đơn giản chỉ dùng những điều luật khô khan là giải quyết được vấn đề. Mà đây là những tình huống có thật, đầy bức xúc và “nóng hổi” của cuộc sống được người dân cung cấp thật và được báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra phương án tư vấn nhằm gỡ rối “nút thắt” cuộc sống cho người dân, cho những người đang hoang mang, lo lắng vì vướng vào vòng lao lý. Trước đây, trong thời đại phong kiến, có oan khuất thì người dân đánh trống kêu oan thì nay, trong thời đại mới, người dân biết cách gõ cửa ở các cơ quan báo chí, phóng viên là “người đáng tin cậy và có trình độ” để được chia sẻ, cơ quan báo chí là nơi gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, niềm tin của người dân. Có thể có người biết hoặc có người không biết nhưng đa phần họ hiểu rằng Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh không phải là nơi phân xử, ra bản án hoặc quyết định của vụ án nhưng báo chí sẽ là kênh tư vấn hữu hiệu và quan trọng cho người dân, là cầu nối thân thuộc giữa phóng viên và bạn đọc.
Với những chuyên mục này, có thể nói Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã giải đáp được những phức tạp của cuộc sống thường ngày qua lăng kính của Luật sư nên rất thiết thực và hữu ích không chỉ đối với người dân mà còn giúp nâng cao kiến thức cho những ai đi theo nghề luật.
Với báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, tôi vẫn còn có kỷ niệm khó quên là lần đầu tiên được đăng bài trên báo nêu ý kiến cá nhân về các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông. Hiện nay, Tôi vẫn còn lưu giữ trang báo này cẩn thận trong tủ của mình như là kỷ niệm đẹp khi lần đầu tiên cái tên của mình được xuất hiện trên mặt báo.
Có thể đối với người này, người kia báo chí chỉ là phương tiện giải trí đơn thuần, đọc rồi để đấy, lúc rỗi lại lấy ra đọc nhưng Tôi vẫn tin rằng là có rất nhiều người đọc, lưu giữ báo không khác gì một thư viện con con trong nhà để lấy thêm kiến thức, xem báo chí trong các lĩnh vực chuyên ngành như là một dạng tạp chí nghiên cứu khoa học thực sự.
Hiện nay, thông tin các loại hình báo chí nhiều và nhiều loại hình báo chí như báo nói, báo hình, báo giấy, báo điện tử nên kênh thông tin cực kỳ phong phú, đa dạng, thường xuyên được cập nhật. Người đọc không thiếu thông tin mà chỉ sợ thông tin bị nhiễu, không phân biệt được thông tin nào đúng hay sai dù cái đúng, sai đôi khi cũng phải “hạ hồi phân giải” chứ không thể một sớm, một chiều phân định được. Do đó, độc giả mong muốn các phóng viên viết bài là những chuyên gia giỏi về lĩnh vực an sinh xã hội, kinh tế; là điều tra viên giỏi trong lĩnh vực pháp luật.
Tôi thiết nghĩ nếu chỉ đưa tin nhanh và đưa tin đơn thuần về những mặt trái cuộc sống thì sẽ gây ra những hiệu ứng xã hội lớn, có ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ như việc đưa tin về một số thực phẩm mà người dân ăn uống hàng ngày có khả năng gây ung thư sẽ gây hoang mang cho người tiêu dùng và người sản xuất. Nên chăng, trước khi đưa tin, báo chí cần kiểm tra kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các cơ quan chuyên ngành uy tín để thông tin đúng, chính xác, không gây hoang mang trong dư luận. Cũng như trong cách đưa tin một vụ án hình sự nhưng nếu phân tích dưới khía cạnh khoa học pháp lý thì sẽ tạo nên chân giá trị và khẳng định chất lượng, đẳng cấp của tờ báo. Có những vụ án giết người rùng rợn, có những phóng viên, báo chí viết bài chỉ mới nhìn nhận dưới góc độ xã hội, hay cảm nhận bên ngoài đơn thuần nên chưa đúng bản chất của vấn đề. Báo chuyên ngành nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, luật sư, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo Bộ luật hình sự chắc chắn sẽ là kênh thông tin hữu dụng, có tính định hướng tốt cho nhiều người.
Tôi nghĩ rằng thông tin nhanh không quan trọng bằng thông tin đúng. Có như vậy, báo chí không chỉ sẽ đến tận tay mà đến tận niềm tin bạn đọc.
Tác giả: Hà Huy Từ