Hiện vụ việc đang được CQĐT Công an huyện Lục Ngạn làm rõ. Tuy nhiên, việc đương sự dùng hung khí “làm loạn” tại trụ sở tòa án và xảy ra ngay tại phiên hòa giải khiến dư luận xôn xao và đặt dấu hỏi về công tác bảo vệ an ninh tại các trụ sở công quyền cũng như tại phiên hòa giải của các vụ án dân sự.
Theo quy định tại khoản 5, Điều 3 Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/03/2016 và Thông tư số 117/2020/TT-BCA ngày 05/11/2020 sửa đổi Thông tư số 13/2016/TT-BCA thì việc bảo vệ phiên tòa giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, phiên họp xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính chỉ thực hiện khi có yêu cầu của TAND.
Theo quy định, tòa án phải có yêu cầu cụ thể, cung cấp thông tin liên quan đến tính chất, đặc điểm của vụ án, mức độ tội phạm, số lượng bị cáo, người làm chứng và những người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng và dự kiến số người tham dự phiên tòa; thời gian, địa điểm xét xử,… cho đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp khi được yêu cầu bảo vệ phiên tòa.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Công ty Luật TNHH HOK (Đoàn Luật sư Hà Nội), cho biết: Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thuộc thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử trong vụ án dân sự. Sau khi tòa án tiếp nhận hồ sơ vụ việc và thụ lý vụ án thì đây là giai đoạn đầu trong việc tiếp xúc đương sự do đó thư ký và thẩm phán giải quyết vụ việc không thể đánh giá mức độ nguy hiểm, manh động của đương sự trước khi phiên họp được diễn ra. Tình huống xảy ra ở vụ việc này chắc chắn nằm ngoài các dự liệu của những người tham gia phiên họp.
Hơn nữa, theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BCA ngày 10/03/2016 thì đơn vị Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp các cấp có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn các phiên tòa. Theo đó thì phiên tòa, sự an toàn của những người tham gia hoặc đảm bảo kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi cản trở, tấn công việc áp giải, hành hung hoặc đánh tháo bị cáo mới là đối tượng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cảnh sát.
“Hiện tại thì chưa có quy định về nhiệm vụ hoặc phối hợp bảo vệ đương sự và người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn hòa giải, tiếp cận công khai chứng cứ và lấy lời khai tại tòa án. Sự việc của đối tượng Thanh thực hiện tại trụ sở TAND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) một mặt là một sự báo động về tính cảnh giác của những người tham gia tố tụng trong quá trình gải quyết vụ án. Đồng thời cũng cần phải có thêm các biện pháp hỗ trợ tư pháp trong các giai đoạn trước phiên tòa để đảm bảo sự uy nghiêm của công đường và đảm bảo tính mạng sức khỏe cho những người tham gia”- LS Hoàn kiến nghị.
Cùng quan điểm, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cũng cho hay, hiện Bộ Công an đã có quy định bảo vệ phiên tòa, tuy nhiên trong giai đoạn hòa giải của các vụ án dân sự thì không có sự tham gia của cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Vì thế, các thẩm phán, thư ký cần phải tự bảo vệ mình, phòng tránh những trường hợp đương sự quá khích, liều lĩnh, manh động, tấn công đương sự khác cũng như tấn công thẩm phán, thư ký.
Về phía tòa án, LS Từ khuyến cáo công tác an ninh, kiểm tra người ra, vào tòa án cần được quan tâm, chú trọng hơn; lực lượng bảo vệ của tòa án cần xem xét kỹ những đương sự được tòa án triệu tập đến làm việc, cần chú ý quan sát, nhận định nhanh về các vật dụng mà đương sự mang theo hoặc có khả năng cất giấu trong người có được phép mang vào tòa án hay không.
Ở khía cạnh sâu xa hơn, LS Từ lưu ý, các thẩm phán, thư ký tòa án cần công tâm, tuân thủ pháp luật, kiên quyết bảo vệ công lý, liên khiết và trung thực, tuyệt đối không để đương sự đánh giá là thẩm phán thiên vị, xử án không công bằng. Mỗi quyết định, bản án của tòa án nếu công tâm, đúng luật thì chắc chắn không gây ức chế, bức xúc cho bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác.
Bên cạnh tuân thủ các quy định pháp luật, thẩm phán cũng cần tuân thủ bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán như không tiếp xúc bị can, bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết không đúng nơi quy định. Khi làm việc với đương sự, thẩm phán cần có khoảng cách phù hợp, không quá gần, không tiếp xúc mang tính chất riêng tư với bất kỳ đương sự nào.
“Ngoài ra, thẩm phán, thư ký tòa án cũng cần bảo mật các thông tin gia đình, thông tin cá nhân đặc biệt là trên môi trường mạng xã hội phức tạp như hiện nay, tránh những trường hợp như đương sự đến nhà thẩm phán để gây sức ép, hoặc theo dõi lộ trình từ cơ quan đến nhà ở của thẩm phán để hành hung, tạt chất bẩn”- LS Từ nhấn mạnh.