Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Thế nhưng nhiều nơi vẫn còn chủ quan, lơ là.
Nhiều “lỗ hổng” đáng lo ngại
Từ cuối tháng 4 đến nay, Việt Nam liên tiếp ghi nhận hàng chục ca nhiễm Covid-19 mới tại nhiều địa phương như: Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Yên Bái, Quảng Nam, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Những ca bệnh này phần lớn liên quan tới một số trường hợp nhiễm Covid-19 trước đó dù đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung. Ðây là vấn đề nghiêm trọng khi cơ sở cách ly tập trung đáng lý ra phải là nơi tuyệt đối an toàn nay lại là nơi khơi nguồn bùng phát dịch với nhiều yếu tố dịch tễ hết sức phức tạp.
Trao đổi với PLVN, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, để xảy ra việc người dân không tuân thủ quy định phòng, chống dịch dẫn đến lây nhiễm trong cộng đồng là do sự quản lý lỏng lẻo của các địa phương.
Thực tế cho thấy các ca cách ly tập trung khi rời khỏi khu cách ly đã không có ai giám sát việc tiếp tục cách ly tại nhà. Như nhóm chuyên gia Trung Quốc sau khi hết cách ly tập trung đã di chuyển tới nhiều địa điểm, nhiều nhà hàng, quán bar… tiếp xúc với nhiều người, trở thành nguồn lây cho 14 ca bệnh tại Vĩnh Phúc. Hay BN 2.899 sau khi về địa phương đã đi nhiều nơi, tụ tập liên hoan anh em, bạn bè, làm lây nhiễm cho nhiều người.
“Với những người bắt buộc cách ly 14 ngày ở các trung tâm thì phải yêu cầu họ tiếp tục cách ly tại nhà cho đến khi xét nghiệm lần 3 âm tính. Lúc đó, các cơ quan chức năng mới quyết định người đó được di chuyển bình thường. Đằng này, những người này mới đi cách ly về thì đã giao tiếp, giao lưu rất nhiều người ở các địa điểm khác nhau, trên địa bàn rất rộng cho thấy sự quản lý hết sức lỏng lẻo”, ông Tiến lo ngại.
Theo dõi sát diễn biến dịch trong thời gian qua, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cũng cho rằng đã có sự buông lỏng quản lý tại một số khu cách ly tập trung dẫn đến lây nhiễm chéo giữa những người cách ly tại khu cách ly. Điển hình là sự việc tại Yên Bái với hai chùm ca bệnh của nhóm chuyên gia người Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Đức Hoàn, Công ty luật TNHH HOK, Đoàn Luật sư Hà Nội cảm thấy lo ngại tình trạng buông lỏng quản lý trong công tác bàn giao người hoàn thành cách ly tập trung về địa phương. Theo ông Hoàn, Bộ Y tế quy định người hoàn thành cách ly phải đi bằng xe riêng (do người hoàn thành cách ly, cơ quan sử dụng người nhập cảnh, chủ cơ sở cách ly tập trung hoặc địa phương bố trí); xe phải được đăng ký trước với đơn vị Quản lý khu cách ly tập trung, không tổ chức đưa đón đông người. “Tuy nhiên, BN 2.899 vẫn vô tư di chuyển từ Đà Nẵng về Hà Nam bằng nhiều phương tiện công cộng như xe khách, tiếp xúc với rất nhiều người”, ông Hoàn lo lắng.
Ngoài ra, theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Hà Nội: Đối với các trường hợp phải tự cách ly ở nhà, theo quy định cũ thì các địa phương cần phải tự giám sát, tuy nhiên việc giám sát này lại chưa có hiệu quả. “Việt Nam cần phải học tập theo các nước phát triển như Hàn Quốc về việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát dịch bệnh, sử dụng ứng dụng và thiết bị theo dõi người phải cách ly, đây là biện pháp rất tốt để ngăn chặn dịch bệnh cũng như bảo vệ sức khỏe của chính các bệnh nhân”, Luật sư này khuyến nghị.
Không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”…
Tại cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống Covid-19 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê bình một số địa phương có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở. Thủ tướng đề nghị phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tiếp đó, tại cuộc họp khẩn về phòng chống Covid-19 vào ngày 2/5, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu một số địa phương rà soát lại và căn cứ vào hậu quả xảy ra để tập trung kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, kể cả áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
Sau khi địa phương bị Thủ tướng nhắc nhở, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa xin nhận thiếu sót và hứa sẽ chấn chỉnh. “Trước tập thể UBND tỉnh Khánh Hòa, tôi xin nhận thiếu sót mà Thủ tướng Chính phủ đã phê bình, nhắc nhở về công tác chống dịch trong thời gian vừa qua”, ông Tuân phát biểu.
Tương tự, tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng đã thẳng thắn nhận trách nhiệm trước phê bình của Thủ tướng về những hạn chế trong công tác phòng chống dịch.
Theo ông Nguyễn Như Tiến, Thủ tướng đã quyết liệt như thế, nên các thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư, phường xã, quận huyện và đặc biệt là lãnh đạo đứng đầu các địa phương cũng phải chuyển động theo. “Tôi thấy nếu nghiêm là nghiêm từ trên xuống và cũng phải nghiêm từ dưới lên. Nếu chỉ có “trên nóng, dưới lạnh, ở giữa ấm” thì không thể được”, ông Tiến nhấn mạnh.
Cần xử lý mạnh mẽ trách nhiệm người đứng đầu
Trong khi một số lãnh đạo địa phương đã nghiêm túc nhìn nhận thiếu sót, nhận trách nhiệm của mình thì vẫn còn tình trạng chưa quyết liệt trong xử lý để lây lan dịch bệnh.
Chẳng hạn tại Vĩnh Phúc, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thay vì nhận trách nhiệm để chấn chỉnh, sáng 5/5, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại nói rằng để xảy ra lây nhiễm Covid-19, Thường vụ Tỉnh ủy đã họp và có chủ trương xử lý 4 cán bộ quản lý cơ sở liên quan đến quán bar, karaoke Sunny, quán massage Hoa Sen và một số nơi khác trên địa bàn.
Hay tại Hà Nam, trong một báo cáo gửi Thủ tướng vào ngày 4/5 mà ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy ký gửi đi, hoàn toàn không thấy đả động đến trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh. Thay vào đó lãnh đạo địa phương báo cáo là đã quyết định khởi tố vụ án làm lây lan dịch Covid-19 tại thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Đồng thời kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo với 3 cán bộ xã, huyện.
Liên quan đến vấn đề pháp lý trong vấn đề xử lý trách nhiệm, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Mặc dù Quyết định số 878/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ nêu ngắn gọn về trách nhiệm của các địa phương trong công tác tổ chức thực hiện cách ly nhưng Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 lại quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, khoản 1 Điều 7 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau khi có dịch xảy ra và tuân thủ, chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo chống dịch”.
Ngoài ra, khoản 6 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật. “Vì thế, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương khi không quản lý tốt tại khu cách ly và không làm tốt việc bàn giao và quản lý các trường hợp sau khi hoàn thành cách ly tập trung, để lây lan dịch bệnh” - Luật sư Từ kiến nghị.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Như Tiến có ý kiến rằng, trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cần phải dồn toàn lực, toàn hệ thống chính trị cho việc phòng, chống dịch Covid-19, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đất nước trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới. Nhất là trong thời gian chuẩn bị cho biệc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 – 2026. “Chúng ta phải làm thật nghiêm với những đối tượng không tuân thủ quy định cách ly mà đi ra khỏi cộng đồng. Cũng như các địa phương nếu để xảy ra những nguy hại to lớn, lây lan trong diện rộng cần truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng cá nhân có liên quan” - ông Tiến nhấn mạnh.
P. Hùng - P. Diệu - B.Anh
phapluatplus.vn