baophapluat.vn/canh-bao/vo-tu-lam-gia-tem-nhan-mac-hang-hieu-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-497392.html
Chỉ cần một vài thao tác trên mạng Internet, bất kỳ ai cũng có thể mua được hàng nghìn, hàng trăm nghìn số lượng tem nhãn của bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào trên thế giới từ Gucci, Chanel, D&G, Calvin Klein, Louis Vuitton… với giá chưa đầy 300 đồng/chiếc.
Chỉ cần search từ khóa xưởng in tem, nhãn mác trên google sẽ cho ra hàng trăm kết quả. Cụ thể như: Mác dệt mác in, Nhãn mác thẻ tag, Xưởng tag Nhãn mác, Tag Nhãn Mác… Người nhìn dễ dàng nhận thấy các lời mời quảng cáo hấp dẫn với đa dạng mẫu mã các loại tem, nhãn như dệt, thêu, in... từ tem, nhãn sử dụng cho quần áo, giày dép thậm chí cả đồng hồ... Đặc biệt,ngay cả các loại tem, nhãn của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như như Zara, Chanel, Gucci, Lacoste, Levis’s… cũng đều có. Khách chỉ cần đưa ra số lượng, các xưởng in đếu có thể cung cấp trong vòng 1 - 2 tuần trở lại.
Trong vai một người chủ shop thời trang có nhu cầu cần đặt tem, nhãn của các thương hiệu lớn, trao đổi với trang web Nhãn Mác Thẻ Tag cho biết, tùy theo yêu cầu của khách hàng, khách đặt loại nào có loại đấy, từ các loại tem nhãn của các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Zara, Gucci, Lacoste, Levis’s…. cho tới D&G, Nike… gì cũng có.
Về giá cả, chủ trang web Nhãn Mác Thẻ Tag cho biết, tùy thuộc vào kích thước, số lượng với số màu chữ in, thêu trên tem, nhãn, tem nhãn sẽ có giá khác nhau. Với loại mác cổ dệt thường, kích thước 1.5x5cm sẽ được bán với giá 420 đồng/chiếc khi lấy số lượng từ 3.000 nhãn trở lên. Càng lấy nhiều, giá càng giảm, cụ thể: với 5.000 nhãn kích thước 1.5x5cm sẽ có giá 300 đồng/chiếc, 10.000 nhãn trở lên có giá 270 đồng/chiếc.
Đối với loại mác cổ dệt đẹp (2 lớp) kích thước 1.5x5cm sẽ có giá 520 đồng/chiếc nếu lấy 3.000 nhãn, 450 đồng/chiếc nếu lấy 5.000 nhãn và giá 380 đồng/chiếc nếu lấy 10.000 nhãn…
Để thêm lòng tin cho PV, chủ xưởng sản xuất tem nhãn này còn khẳng định “hàng đẹp y thật” sau đó gửi một số hình ảnh tem nhãn của các thương hiệu nổi tiếng mà xưởng làm ra cho PV.
Nếu nhìn bằng mắt thường thật khó có thể phân biệt được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật khi chỉ nhìn sản phẩm thông qua tem, nhãn hàng.
Việc sản xuất, buôn bán tem, nhãn mác giả khiến việc buôn bán hàng giả, hàng nhái trở nên khó kiểm soát hơn. Nhìn vào thực tế, hiện nay có vô vàn quần áo dán nhãn mác là các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Calvin Klein, Louis Vuitton, Puma, Zara... với giá “bèo” từ 150.000 - 500.000 đồng, được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử...
Việc nhái các thương hiệu nước ngoài ở Việt Nam không còn là chuyện mới. Các sản phẩm bị nhái thường chia thành hai xu hướng, hoặc nhái cả kiểu dáng và nhãn mác, hoặc chỉ làm giả nhãn mác. Xu hướng thứ hai nhiều hơn, do giá nhãn mác quần áo thường rẻ. Người tiêu dùng vô hình chung rơi vào “mê hồn trận” khó mà phân biệt hàng thật - giả.
Những mác hàng hiệu y như thật, cùng sự bắt chước tinh vi của những xưởng may quần áo gia công, những sản phẩm thời trang nhái thương hiệu nổi tiếng đang trà trộn vào các shop hàng hiệu. Đã có nhiều “Thượng đế” Việt Nam phải móc hầu bao của mình ra trả cho những hàng hiệu được sản xuất gia công tại Việt Nam.
Hành vi sản xuất, buôn bán tem nhãn mác giả các thương hiệu trên thế giới của các tổ chức, cá nhân, sẽ bị xử lý như thế nào? Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết:
Căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm, tổ chức, cá nhân sản xuất tem, nhãn, mác giả thương hiệu nổi tiếng trên thế giới sẽ bị xử lý bằng một trong các biện pháp dân sự, chế tài hành chính hoặc hình sự.
Một là, căn cứ quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, căn cứ Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Ngoài ra người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Hai là, Xử lý bằng các biện pháp dân sự (quy định tại Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:1. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; 2. Buộc xin lỗi, cải chính công khai; 3. Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; 4. Buộc bồi thường thiệt hại; 5. Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Ba là, Xử lý về mặt hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226, Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).