baophapluat.vn/hi-tech/mobifone-bi-su-co-khach-hang-co-duoc-den-bu-427937.html
Trưa nay – 6/12, nhiều khách hàng sử dụng mạng di động MobiFone tại một số khu vực nội thành TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không truy cập được data 3G/4G. Thông tin chính thức về tình trạng này, đại diện mạng di động MobiFone cho biết, nguyên nhân do ảnh hưởng của sự cố lỗi thiết bị mạng data 3G/4G.
MobiFone đã huy động lực lượng, tích cực triển khai các biện pháp ứng cứu thông tin, cân chỉnh lưu lượng trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo thông suốt liên lạc và khắc phục hoàn toàn sự cố vào 14h30 cùng ngày. Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã gửi lời xin lỗi khách hàng về sự cố kỹ thuật này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sự cố nói trên phát sinh do lỗi thiết bị của một nhà cung cấp thiết bị nổi tiếng, và sự cố không chỉ phát sinh với riêng mạng MobiFone mà còn với các nhà mạng khác, dù mức độ ảnh hưởng nhiều ít khác nhau tùy mức độ sử dụng thiết bị của nhà cung cấp này nhiều hay ít ở từng nhà mạng. Nguồn tin riêng của PLVN cho hay, lỗi kĩ thuật này là lỗi phần mềm, và ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu. Thông báo tương tự của MobiFone cũng được nhà mạng nổi tiếng của Anh là O2 phát đi.
Ở một góc độ khác, liên quan đến quyền lợi khách hàng của nhà mạng, Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá rằng, ảnh hưởng do sự cố lỗi thiết bị mạng data 3G, 4G diễn ra ngày 06/12/2018 là nghiêm trọng. “Vì chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, bất kỳ một sự cố nào xẩy ra liên quan đến thông tin, viễn thông đều ảnh hưởng lớn đến việc học hành, làm việc, đến nhu cầu giải trí… của rất nhiều người” – Luật sư Từ nói.
Về câu hỏi “Vấn đề pháp lý cần đặt ra và cần giải quyết là nếu khách hàng của các mạng viễn thông bị thiệt hại do ảnh hưởng từ sự cố của mạng viễn thông thì họ có được đền bù không?”, Luật sư Hà Huy Từ cho rằng, điều quan trọng nhất, bản chất nhất là cơ quan chức năng phải xác định rõ lỗi, nguyên nhân xảy ra sự cố mạng là do đâu, là do bất khả kháng hay do lỗi chủ quan của doanh nghiệp viễn thông…
“Pháp luật quy định doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ viễn thông thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu. Nhưng nếu vì trường hợp bất khả kháng thì các bên giao kết Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cũng cần lưu ý thêm là doanh nghiệp viễn thông không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do việc cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm thời gian và chất lượng gây ra (Điều 33 Luật viễn thông năm 2009)” – Luật sư Hà Huy Từ nói.
Theo Luật sư Hà Huy Từ, nếu muốn được đền bù thì khách hàng phải thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, như phải cung cấp các giấy tờ tùy thân, hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông với doanh nghiệp viễn thông hoặc đại lý dịch vụ viễn thông, nêu rõ thiệt hại, thời gian bị tổn thất... do doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết.
H.Thủy