Không thể đánh đồng lỗi của phương tiện và lỗi của người tham gia giao thông
Theo Luật sư Thùy Dương (Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội), việc cơ quan Công an phối hợp với các đơn vị đăng kiểm xử lý như trên còn nhiều bất cập và chưa phù hợp với tinh thần của các quy định pháp luật liên quan.
Luật sư Thùy Dương phân tích, chức năng của cục đăng kiểm là kiểm định phương tiện cơ giới đảm bảo phương tiện đủ điều kiện và an toàn khi vận hành tham gia giao thông. Nếu phương tiện đủ điều kiện và an toàn thì cơ quan đăng kiểm phải công nhận cho phương tiện đó. “Còn việc chủ phương tiện tham gia giao thông phạm luật thuộc về ý thức chủ quan và là lỗi của người tham gia giao thông. Không thể đánh đồng hai khái niệm này để “xử phạt phương tiện” khi chủ phương tiện mắc lỗi” – Luật sư Thùy Dương nói.
Nhiều ý kiến của các luật sư, chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 70/2015/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, các trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định đó là trường hợp xe cơ giới có “khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng” và xe cơ giới “khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm”. “Trường hợp cá nhân đứng tên chủ sở hữu phương tiện bị mắc lỗi và xử phạt nguội vi phạm giao thông không thuộc trường hợp khiến cho phương tiện không được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm theo thông tư trên” – Luật sư Thùy Dương nhận định.
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận từ TS. Bùi Tiến Đạt (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội), khi ông Đạt cho rằng điều khoản trên của Thông tư 70 không phù hợp với tình hình hiện nay, khi việc quản lý phương tiện, chuyển nhượng quyền sở hữu và cơ chế xử phạt hành chính qua phương tiện kỹ thuật còn nhiều bất cập. “Tôi cũng đồng tình với quan điểm của các chuyên gia cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính và việc kiểm định kỹ thuật là hai vấn đề khác nhau, và không có cơ sở hợp pháp và hợp lý cho phương án lấy kiểm định kỹ thuật để đảm bảo cho việc thi hành quyết định xử phạt” – ông Đạt nói.
Phối hợp giữa các cơ quan là cần thiết, nhưng trên cơ sở quy định pháp luật minh bạch
“Ngoài ra, việc dừng đăng kiểm để thu “phạt nguội” đối với phương tiện ô tô có đảm bảo công bằng khi cùng là các hành vi vi phạm hành chính về giao thông đường bộ thì người điều khiển ô tô bị phạt (khi đi đăng kiểm), còn người điều khiển xe mô tô, gắn máy thì không. Cơ chế dừng đăng kiểm này sẽ khiến người sở hữu ôtô bị phạt không phục và cảm thấy bị pháp luật đối xử một cách bất công” – TS. Bùi Tiến Đạt nhận định.
Theo Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư Hà Nội), việc phối hợp giữa cơ quan CSGT và đăng kiểm nói riêng, giữa các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, là cực kỳ cần thiết vì điều này mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, tránh tình trạng cát cứ, không có liên hệ giữa các cơ quan với nhau, không chỉ riêng trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính hay đăng kiểm, vì sự phối hợp sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, giúp tiết kiệm thời gian, gọn nhẹ bộ máy quản lý.
Thứ hai, sự phối hợp giữa cơ quan CSGT và đăng kiểm giúp nâng cao công tác ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin trong quản lý, thể hiện cải cách hành chính. Thứ ba, việc phối hợp này tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tình trạng chây ì, không đóng tiền phạt do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông. Lợi ích thứ ba này sẽ dẫn đến lợi ích thứ tư, đó là tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
“Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng sẽ đem lại những lợi ích như vậy, nên theo tôi trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện việc phối hợp. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này thì phải có nhiều giải pháp đồng bộ để việc phối hợp đạt được hiệu quả quản lý nhà nước mong muốn, đồng thời được sự ủng hộ của toàn xã hội” – Luật sư Từ nhận định.
Tán thành việc Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ liên quan để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nhưng Luật sư Thùy Dương cũng cho rằng, nếu mọi quy định không được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật hoặc thông tư, chỉ thị hướng dẫn cụ thể thì mọi văn bản phối hợp đều không phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung. Còn TS. Bùi Tiến Đạt thì cho rằng, thay vào đó, cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để xây dựng cơ chế phạt nguội hữu hiệu.
Sẽ bổ sung các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính qua hệ thống giám sát
Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xây dựng và ban hành Thông tư quy định cụ thể về quy trình, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính thông qua hệ thống giám sát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ngoài giải pháp trước mắt này thì để tạo cơ sở pháp lý vững chắc, Nghị định 165 quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện nghiệp vụ được sử dụng để xử phạt vi phạm hành chính cần thiết phải có sự sửa đổi, bổ sung, trong đó có thêm một số quy định liên quan đến trình tự, thủ tục để áp dụng đối với các trường hợp này.
Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành từ năm 2012, đến thời điểm này đã thi hành được 5 năm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ Tư pháp đã tiến hành sơ kết, tổng kết tình hình thi hành Luật này, tiến tới tổng kết trên cả nước. Một nội dung thiết thực được đặt ra khi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật chính là vấn đề nói trên để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
H.Thủy-H -Thư