Chưa hết thời hạn hợp đồng đã bị kiện
Ngày 18/8/2009, Công ty Tài chính TNHH MTV cao su Việt Nam (Cty Tài chính cao su) và Cty Hoàng Thịnh ký Hợp đồng tín dụng cho vay dài hạn số 01/2009/HĐDH-TCCS-GD5, thời hạn 8 năm kể từ ngày bên vay rút khoản vay đầu tiên là 21/8/2009 (như vậy thời hạn vay đến ngày 21/8/2017). Theo đó, Cty Tài chính cao su cho Cty Hoàng Thịnh vay 20 tỷ đồng, đã giải ngân được 10 tỷ đồng.
Mặc dù chưa hết thời hạn hợp đồng nhưng lấy lý do Cty Hoàng Thịnh không trả lãi vay theo đúng thời hạn nên Cty Tài chính cao su đã khởi kiện Cty Hoàng Thịnh ra TAND tỉnh Tây Ninh để đòi tiền. Ngày 20/7/2012, TAND tỉnh Tây Ninh đã có bản án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Cty Tài chính cao su, buộc Cty Hoàng Thịnh phải trả cả tiền gốc và lãi là 14.075.089.167đ.
Cty Hoàng Thịnh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 02/10/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM ra bản án phúc thẩm số 01/2012/KDTM-PT, sửa một phần bản án sơ thẩm nhưng vẫn giữ nguyên nội dung yêu cầu Cty Hoàng Thịnh phải trả 14.075.089.167đ cho Cty Tài chính cao su.
Người ký hợp đồng không được Giám đốc ủy quyền?
Có thể thấy, Bản án phúc thẩm nêu trên đã có một số thiếu sót, chưa làm rõ các tình tiết quan trọng của vụ án. Đơn cử, người ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp của Cty Tài chính cao su không phải là người đại diện theo pháp luật, không có Giấy ủy quyền. Khoản 9 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng năm 2004 quy định: “Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng là người chịu trách nhiệm trước HĐQT điều hành hoạt động hàng ngày theo nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật”.
Tuy nhiên, trong Hợp đồng tín dụng số 01/2009, người đại diện Cty Tài chính cao su ký hợp đồng không phải là Giám đốc mà là Phó Giám đốc (bà Đinh Thị Tiểu Phương) không phải là người chịu trách nhiệm trước HĐQT điều hành hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng. Cty Hoàng Thịnh không nhận được Giấy ủy quyền bằng văn bản từ Giám đốc Cty Tài chính cao su cho bà Phương ký hợp đồng tín dụng. Vì vậy, việc bà Phương, với tư cách là Phó Giám đốc thì không phải là người đại diện theo pháp luật của Cty Tài chính cao su, tức là Hợp đồng số 01/2009 bị vô hiệu do sai thẩm quyền người ký kết.
Hơn nữa, trong Khế ước nhận nợ vay ngày 21/8/2009, ông Lê Bá Na ký tên với chức danh là “Trưởng phòng giao dịch số 5”. Trong 3 hợp đồng thế chấp gồm Hợp đồng thế chấp số 56/2009/HĐTC-TCCS-GD5 ngày 20/8/2009, Hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay trong tương lai số 56B/09/HĐTC-GD5 ngày 26/8/2009, Hợp đồng thế chấp vườn cây cao su để đảm bảo nghĩa vụ của bên thứ ba số 56 C/2009/HĐTC-TCCS-GD5 ngày 20/8/2009 ông Lê Bá Na ký với tư cách đại diện cho bên nhận thế chấp là Cty Tài chính cao su.
Tuy nhiên, ông Na là Trưởng phòng giao dịch số 5, không phải là người đại diện theo pháp luật, không phải là người điều hành hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng và cũng không có Giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền cho ông Na ký.
Ngoài ra, theo đại diện của Cty Hoàng Thịnh thì họ chỉ được vay 10 tỷ trong số 20 tỷ theo hợp đồng. Nhưng đã gần 5 năm trôi qua, Cty Tài chính cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) đã không thực hiện việc giải chấp khối tài sản theo Hợp đồng thế chấp đối với 10 tỷ không được vay, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của doanh nghiệp.
Hà Huy - Đặng Vũ (baophapluat.vn)