doisongvietnam.vn/hamomax-loi-dung-giai-thuong-ho-chi-minh-truc-loi-18289-6.html
Nhập nhèm về giải thưởng
Năm 2012, cụm công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam” được vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Có hơn 100 tác giả có công đóng góp vào cụm công trình này được vinh danh, trong đó có Ds. Lê Đình Bích.
Ông Lê Đình Bích – (nguyên Trưởng bộ môn Thực vật học – đại học Dược Hà Nội) được cho là người đã có công tìm ra tên khoa học của Nần nghệ là “Dioscorea colletti”. Ông Bích cũng được cho là người đã có công khi chiết xuất, điều chế và cho ra đời chế phẩm Hamomax.
Thực phẩm chức năng Hamomax được quảng cáo là có tác dụng hạ mỡ máu, huyết áp cao... Trong quá trình thực hiện quảng cáo sản phẩm, trên Website:http://tanbachtung.vn và nhiều trang báo điện tử khác, hình ảnh và tên tuổi của Ds. Bích và giải thưởng Hồ Chí Minh luôn được dùng như một sự đảm bảo về chất lượng và giá trị cho Hamomax.
Dù DS. Bích có tên trong nhóm tác giả hơn 100 người đạt giải. Riêng cây Nần nghề nằm trong số hơn 2000 cây nằm trong cuốn sách đỏ, danh lục đỏ. Tuy nhiên, khi thực hiện quảng cáo Hamomax, Ds. Bích được giới thiệu: “Được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ - giải thưởng cao quý nhất cho người làm khoa học nhờ giám định thành công tên khoa học của cây thuốc quý Nần nghệ; tạo bước đột phá trong việc nghiên cứu, điều chế ra sản phẩm hạ mỡ máu, mỡ gan, cao huyết áp (Hamomax)”.
Với cách giới thiệu về Ds. Bích như trên, bạn đọc và người tiêu dùng rất dễ hiểu nhầm rằng, bản thân ông Bích và sản phẩm Nần nghệ đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Nần nghệ là thành phần chính tạo ra sản phẩm Hamomax. Nếu Nần nghệ và tác giả nghiên cứu ra Nần nghệ được giải thưởng như vậy, đương nhiên Hamomax rất quý.
Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Để Ds. Bích có tên trong nhóm tác giả đạt giải thưởng, là công sức chung của hơn 100 nhà khoa học cộng lại. Giải thưởng không phải dành riêng cho cá nhân Ds. Bích cũng như cây Nần nghệ.
Trao đổi với PGS. TS Lê Xuân Cảnh (nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật) được biết: PGS. TS Cảnh là một trong số những tác giả cùng Ds. Bích được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2012.
“Cụm công trình gồm 25 tập động vật chí, thực vật chí, 3 tập sách đỏ, danh lục đỏ gồm hơn 2000 cây, có thể trong đó có cây Nần nghệ. Ds. Bích đúng là người có tên nhận giải nhưng là nằm trong nhóm tác giả. Giải thưởng là cho cụm công trình”, PGS. TS Lê Xuân Cảnh khẳng định.
Cũng theo PGS. TS Lê Xuân Cảnh, đã có 128 tác giả đạt giải (nằm trong tác giả biên soạn sách đỏ) được giải. Mỗi nhà khoa học đóng góp công sức khác nhau để rồi hợp lại trong cụm công trình và nhận được giải thưởng.
Doanh nghiệp thiếu trung thực
Trao đổi với Pv báo Đời sống Plus, Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: “Việc lấy hình ảnh của một người cụ thể với giải thưởng của tập thể để quảng cáo cho sản phẩm là không trung thực, không chính xác”.
Theo Ls. Từ, giải thưởng cao quý được trao cho tập thể những người có thành tích trong nghiên cứu khoa học chứ không phải một cá nhân nào. Do đó, nếu quảng cáo đúng thì phải thông tin chính xác đây là giải thưởng của tập thể.
“Quảng cáo không rõ ràng, không chính xác, gây nhầm lẫn cho khách hàng là hành vi vi phạm các quy định của Luật quảng cáo năm 2012”, Ls. Từ nói.
Khoản 1 Điều 19 Luật quảng cáo năm 2012 quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”.
Cũng theo Ls. Từ, trong trường hợp vi phạm luật quảng cáo, cơ quan chức năng có quyền thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu tổ chức, cá nhân phải khắc phục, chấm dứt ngay tình trạng vi phạm. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Nếu cá nhân vi phạm thì tùy theo mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự. Về chế tài hành chính cá nhân có thể bị xử lý theo Nghị định số 158/2013/NĐ-CP. Trường hợp nghiêm trọng vi phạm hình sự, cá nhân có thể bị truy tố, xét xử theo điều 168 Bộ luật Hình sự “Tội quảng cáo gian dối”.
Khoản 9 Điều 8 Luật quảng cáo quy định: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố” là một trong những hành vi cấm trong quảng cáo.
Để làm rõ những sai phạm trong việc lấy giải thưởng Hồ Chí Minh để quảng cáo cho sản phẩm Hamomax, ngày 7/3 Pv đã liên lạc qua số điện thoại Hotline trên Website:http://tanbachtung.vn. Người cầm máy cho biết là sẽ kiểm tra và thông tin lại.
Tuy nhiên, khi chúng tôi chưa nhận được thông tin thì những nội dung mà Pv đề cập đã được chỉnh sửa. Theo đó, nội dung quảng cáo đã thêm vào từ “nhóm các nhà khoa học”, “nhóm chuyên gia”. Dù cố tình “sửa sai” nhưng những quảng cáo từ trước đó đã được chúng tôi sao lưu lại.
Qua tìm hiểu được biết, sản phẩm Hamomax thuộc Công ty CPPT thảo dược Việt Nam. Giám đốc doanh nghiệp này là ông Phạm Văn Nam. Liên lạc với ông Nam, vị giám đốc này cho biết: “Tân Bách Tùng là đơn vị phân phối, Công ty CPPT thảo dược Việt Nam chịu trách nhiệm về sản phẩm”.
Đề cập đến việc dùng giải thưởng Hồ Chí Minh để quảng cáo Hamomax, ông Nam thản nhiên: “Vấn đề này chẳng phải vấn đề gì nguy hiểm. Bình thường thôi. Giống như mình đi xe máy ở ngoài đường, đi ô tô thỉnh thoảng vẫn dừng vào chỗ đang cấm đỗ…., đó là chuyện bình thường”. Sau đó, ông Nam cho biết đang đi công tác và hẹn làm việc với Pv vào một buổi khác…
Các nhà quản lý nói gì về vấn đề này, những nhà khoa học – là tác giả của cụm công trình đạt giải cùng Ds. Bích nói gì về vấn đề này?
Báo Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
“Điều 168. Tội quảng cáo gian dối 1. Người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” |