phunuvietnam.vn/tu-van/co-dong-nho-co-quyen-du-dai-hoi-dong-co-dong-post20999.html
Hỏi: Chúng tôi là những cổ đông nhỏ của công ty cổ phần. Trong kỳ Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 tổ chức nửa ngày 30/3/2016, chúng tôi không được mời họp, công ty chỉ gửi thư mời cho các cổ đông sở hữu cổ phần, tổng mệnh giá từ 50 triệu đồng trở lên. Nội dung cuộc họp ĐHĐCĐ có đề cập đến việc sửa đổi Điều lệ công ty nhưng không gửi trước cho các cổ đông dự thảo các phương án sửa đổi Điều lệ. Trong ĐHĐCĐ, Chủ tịch Hội đồng quản trị chỉ đọc các nội dung sửa đổi theo 1 phương án và đề nghị các cổ đông thông qua. Vậy điều này có đúng luật không? Để tránh tái diễn tình hình trên trong kỳ họp ĐHĐCĐ sắp tới, chúng tôi có thể khởi kiện được không?
Ninh Phương Uyên (Quận 3, TPHCM)
Trả lời:
Theo quy định tại điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì “Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần”. Vì vậy tất cả các cổ đông có trong danh sách cổ đông của công ty đều có quyền tham dự cuộc họp mà không phụ thuộc vào tỷ lệ sở hữu cổ phần.
Khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp quy định:
“Điều 137. Danh sách cổ đông có quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông
Vì vậy, việc đầu tiên bà cần làm là kiểm tra lại xem mình đã có tên trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty chưa. Nếu chưa có, bà phải làm thủ tục đăng ký tên trong Sổ đăng ký cổ đông.
Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công ty phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (Điều 143 Luật Doanh nghiệp). Tuy nhiên, Ban tổ chức ĐHĐCĐ phải gửi dự thảo Điều lệ trước cho các cổ đông nghiên cứu, cho ý kiến làm cơ sở quyết định thì mới đúng quy định pháp luật.
Nếu có căn cứ cho rằng trình tự, thủ tục triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; hoặc trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty, thì trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, cổ đông có quyền yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài xem xét, huỷ bỏ quyết định của ĐHĐCĐ. Vậy bà kiểm tra lại xem bà nhận được biên bản họp ĐHĐCĐ từ ngày nào. Nếu công ty làm đúng quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bế mạc cuộc họp (ngày 30/3/2016) đã gửi Biên bản họp ĐHĐCĐ đến tất cả cổ đông, thì tính đến nay, bà đã hết thời hiệu để khởi kiện ra Toà án hoặc Trọng tài. Tuy nhiên, bà vẫn có quyền làm Đơn kiến nghị gửi Hội đồng quản trị về các quyết định của ĐHĐCĐ nếu có căn cứ cho rằng trình tự và thủ tục triệu tập họp ĐHĐCĐ không thực hiện đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty; hoặc trình tự, thủ tục ra quyết định và nội dung quyết định vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy
Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.