Công ty không trả nợ, có thể kiện yêu cầu phá sản?(2016-12-17 03:37:00)
Theo quy định của luật phá sản, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
phunuvietnam.vn/tu-van/cong-ty-khong-tra-no-co-the-kien-yeu-cau-pha-san-post20995.html
Hỏi: Tôi là đối tác làm ăn của một công ty tại tỉnh Lạng Sơn. Công ty đang nợ tôi gần 4 tỷ đồng theo Biên bản đối chiếu công nợ chốt ngày 30/6/2014, hứa thanh toán trước 300 triệu đồng vào ngày 30/12/2016. Do làm ăn thua lỗ, Tổng Giám đốc - đại diện theo pháp luật - lấy lý do thăm thân nước ngoài nhưng đến nay không về. Công ty lâm vào tình trạng phá sản, có dấu hiệu của việc tẩu tán tài sản. Nhưng qua xác minh, chúng tôi được biết công ty còn có nhiều bất động sản ở các tỉnh, thành trên cả nước. Xin hỏi Báo PNVN, nếu hết ngày 30/12/2016, tôi không nhận được tiền thanh toán công nợ thì có quyền khởi kiện yêu cầu toà mở thủ tục phá sản đối với công ty không? Tôi nộp đơn ở Toà án nào? Tài sản đã thế chấp Ngân hàng có được bán để trả nợ không?
Hoàng Thị Hải Yến (Q.Long Biên, Hà Nội)
Trả lời:
Vấn đề bà hỏi liên quan đến các quy định của luật phá sản. Trong trường hợp Tổng Giám đốc công ty không trở về thì việc cần thiết phải làm để các chủ nợ bảo vệ quyền lợi của mình là phải nhanh chóng khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để xác định số nợ. Tòa sẽ chốt lại số nợ và sẽ có những biện pháp ngăn chặn kịp thời nhằm hạn chế việc tẩu tán tài sản. Bà cũng cần xác định tòa án cấp huyện hay tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.
Khoản 1, khoản 2 Điều 8 Luật phá sản năm 2014 quy định:
“Điều 8.Thẩm quyền giải quyết phá sản của Tòa án nhân dân
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:
- a) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
- b) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- c) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
- d) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Toà án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
- Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.”
Để hướng dẫn chi tiết hơn Điều 8 Luật phá sản năm 2014, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP ngày 26/8/2016. Điều 2, Điều 3 Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐTP quy định:
“Điều 2. Về tài sản ở nước ngoài, người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài quy định tạiđiểm a khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản
- Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài gồm:
- a) Cá nhân không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- b) Pháp nhân không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc không có người đại diện theo quy định của pháp luật tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.”
“Điều 3. Về vụ việc phá sản có tính chất phức tạp theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản và thẩm quyền giải quyết
- Vụ việc phá sản có tính chất phức tạp là vụ việc không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản và doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Có từ trên 300 (ba trăm) lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ từ trên 100.000.000.000 (một trăm tỷ đồng) trở lên;
- b) Là tổ chức tín dụng; doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích; doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật;
- c) Là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
- d) Có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan, tổ chức nước ngoài;
đ) Có giao dịch bị yêu cầu tuyên bố là vô hiệu theo quy định tại Điều 59 của Luật phá sản.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh tự mình hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện lấy lên để giải quyết phá sản đối với vụ việc thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này.
- Tòa án nhân dân cấp huyện sau khi nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật phá sảnlàm văn bản đề nghị gửi kèm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét thụ lý, giải quyết; đồng thời, thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
- Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đúng thẩm quyền nhưng trong quá trình giải quyết phá sản có sự thay đổi nơi cư trú, địa chỉ của người tham gia thủ tục phá sản hoặc xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật phá sảnvà hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì Tòa án nhân dân cấp huyện vẫn tiếp tục giải quyết.”
Luật phá sản năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 quy định Chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Nếu các bên thoả thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì toà trả lại đơn. Trường hợp thẩm phán quyết định mở thủ tục phá sản thì thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Đối với tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng thì công ty không được quyền đem bán. Trong trường hợp này, chỉ có Ngân hàng mới được quyền phát mãi tài sản ấy theo quy định tại Hợp đồng thế chấp đã ký và theo thủ tục của Ngân hàng, nhưng quy định tại hợp đồng và thủ tục của ngân hàng phải đúng các quy định pháp luật thì mới có hiệu lực.
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy
Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.