Đi đòi lương bị nổ súng đe dọa
Tối 5/12, cộng đồng mạng xôn xao về clip ghi lại cảnh ông Bùi Đức Phương - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ An ninh Việt Nhật (địa chỉ tại đường Cống Lở, phường 15, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) - cãi nhau với một phụ nữ tên Nguyễn Thị Thúy (SN 1971, ngụ quận Tân Bình) về việc không trả 4 triệu đồng tiền lương cho con bà.
Ông Phương không giữ được bình tĩnh, lớn tiếng xưng mày tao rồi rút khẩu súng bên trong túi quần, lên đạn gí vào đầu bà Thúy dọa bắn. Bị bà Thúy thách thức, ông Phương bắn một phát lên trời. Chưa hết bực tức, sau khi bỏ vào trong, ông Phương trở ra tiếp tục cự cãi với bà Thúy.
Bà Thúy cho biết con trai bà là Bùi Hữu Phúc (SN 1988), được Công ty Việt Nhật tuyển dụng, giao việc giữ xe cho một cửa hàng trên đường Trương Công Định (quận Tân Bình). Do công việc vất vả, lương ít nên Phúc xin nghỉ việc. Thay vì trả lương đầy đủ, phía công ty chỉ đưa cho Phúc 3,2 triệu đồng của tháng làm việc đầu tiên và nợ 4 triệu đồng của 45 ngày làm việc còn lại.
Vì nhiều lần bị khất nợ, ngày 5/12, bà Thúy chở con đến công ty và kết cục dẫn đến vụ cãi vã như nói trên. “Lúc đó ông giám đốc bóp cò 2 lần nhưng không nổ, đến lần thứ 3 mới nổ. Sau đó tôi đến công an phường trình báo vụ việc” - bà Thúy thuật lại.
Ngày 6/12, Công an quận Tân Bình (TP. HCM) đã mời ông Phương lên làm việc để làm rõ hành vi dùng súng đe dọa người dân. Vụ việc tuy chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng đang làm dấy lên mối lo ngại của dư luận về việc sử dụng súng của công ty dịch vụ bảo vệ.
Không được tùy tiện sử dụng
Trả lời báo chí về vấn đề khẩu súng mà ông Phương sử dụng là công cụ hỗ trợ hay súng quân dụng và việc ông này rút súng bắn uy hiếp người dân là đúng hay sai, một lãnh đạo Công an quận Tân Bình cho hay, trước mắt, công an phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) - Công an TP HCM xác minh nguồn gốc khẩu súng. “Tùy theo tính chất vụ việc, mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định xử lý phù hợp” - vị lãnh đạo này nói.
Được biết, tại TP.HCM hiện có trên 50% số công ty dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ có trang bị công cụ hỗ trợ, bao gồm súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, bình xịt hơi cay, còng số 8.
Lãnh đạo PC64 - Công an TP HCM khẳng định trước năm 2013, Chính phủ cho phép 12 đối tượng sử dụng công cụ hỗ trợ, trong đó có cả tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Theo vị lãnh đạo này, thời điểm đó, quy trình mua công cụ hỗ trợ không quá phức tạp nhưng việc sử dụng được quy định chặt chẽ. Theo đó, mỗi viên đạn, khẩu súng, bình xịt… đều có đánh dấu mã số cá nhân; người sử dụng phải có chứng chỉ đào tạo. Mỗi lần lấy súng đi đâu, sử dụng ở trường hợp nào phải khai báo cho cơ quan công an. Lực lượng chức năng cũng thường xuyên kiểm tra quá trình cất giữ, bảo quản.
Đại diện phòng PC64 - Công an TP.HCM nhấn mạnh theo quy định, người làm công tác bảo vệ chỉ được phép sử dụng trong trường hợp phòng vệ chính đáng, như bị uy hiếp đến tính mạng, không còn biện pháp nào khác. Đó là chưa nói, từ giữa năm 2015, Công an TP.HCM đã có văn bản số 469/PC64-Đ4 gửi các công ty bảo vệ, yêu cầu phải niêm phong cất giữ trong két sắt, bảo quản kỹ càng chứ không được tùy tiện mang ra sử dụng.
“Hiện tại công ty nào có công cụ hỗ trợ phải cất đi, khi nào có thông báo, hướng dẫn mới được lấy ra sử dụng. Trước mắt chúng tôi chỉ cho phép dùng dùi cui điện, dùi cui kim loại, dùi cui cao su, găng tay bắt dao” - vị lãnh đạo phòng PC64 khuyến cáo.
Có thể phạm tội gì?
Khoản 1, khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ngày 30/6/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định, vũ khí gồm vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
Điều 23 Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 có quy định các đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ trong đó có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Nếu Giám đốc Công ty bảo vệ được cấp vũ khí thô sơ thì việc sử dụng vũ khí này phải tuân theo quy định tại Điều 24 Pháp lệnh.
Điều 24 của Pháp lệnh này quy định về sử dụng vũ khí thô sơ: “1. Việc sử dụng vũ khí thô sơ khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của cá nhân, tài sản của Nhà nước, của tập thể, của cá nhân và phòng vệ chính đáng phải bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, đúng mục đích.”
Để việc quản lý, sử dụng vũ khí thô sơ được cụ thể hơn, Khoản 3, khoản 4, Điều 12 Thông tư số 30/2012/TT-BCA ngày 29/5/2012 của Bộ Công an quy định:
Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc sử dụng vũ khí thô sơ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng vệ chính đáng và tuân theo các nguyên tắc sau: “a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm để quyết định việc sử dụng vũ khí thô sơ; b) Chỉ sử dụng vũ khí thô sơ khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo bằng mệnh lệnh qua lời nói nhưng đối tượng không tuân theo; c) Không sử dụng vũ khí thô sơ đối với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những đối tượng này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành nhiệm vụ hoặc người khác; d) Trong mọi trường hợp sử dụng vũ khí thô sơ, người sử dụng vũ khí thô sơ cần hạn chế thiệt hại do việc sử dụng vũ khí thô sơ gây ra.”
“Do người phụ nữ không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của ông giám đốc nên việc ông này dùng vũ khí đe dọa là hoàn toàn vi phạm pháp luật. Hơn nữa, pháp luật đã quy định việc sử dụng vũ khí thô sơ phải trong trường hợp thi hành nhiệm vụ, không phải tùy tiện, tùy ý, vì mục đích cá nhân cho “oai”. Vì thế, hành vi này của ông giám đốc công ty tại TP. Hồ Chí Minh còn có thể cấu thành “Tội đe dọa giết người” quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự” – Luật sư Hà Huy Từ (Văn phòng luật Hà Huy) nhận định.
Hoàng Thủy-Vũ Hoài (baophapluat.vn)