Thuế suất đến 10%
Ngày 7/9/2015, PLVN có bài “Khu dịch vụ hậu cần cảng biến thành mỏ khai thác đất khổng lồ?” phản ánh việc Cty CP Cảng Thái Hưng múc đất tại đồi Gềnh Táu thuộc dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại Khu Công nghiệp Cái Lân đem bán cho doanh nghiệp khác với giá mỗi mét khối đất khoảng 70 nghìn đồng. Nếu khai thác hết, doanh nghiệp sẽ thu bộn tiền.
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, Luật sư Hà Huy Từ, Giám đốc Cty Luật Hà Huy (Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản 2012 thì: “Khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ”.
Luật sư Hà Huy Từ |
Tuy nhiên, Luật sư Từ khẳng định doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Bởi theo quy định của Luật Thuế tài nguyên năm 2009 thì đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình thuộc nhóm “khoáng sản không kim loại”, chịu thuế suất 3-10%. Như vậy, đất mà Cty CP Cảng Thái Hưng đang khai thác tại đồi Ghềnh Táu là khoáng sản không kim loại nên doanh nghiệp này phải có trách nhiệm nộp thuế tài nguyên.
Theo quy định, một pháp nhân hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì trong trường hợp này, Cty CP Cảng Thái Hưng còn phải chịu nộp các khoản thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp (nếu hoạt động sản xuất – kinh doanh có lãi), thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân.
Bán đất đồi trong dự án để đầu tư... dự án?
Như đã nêu trong số báo trước, đồi Ghềnh Táu rộng mênh mông được Cty CP Cảng Thái Hưng “xẻ thịt” không thương tiếc. Hàng loạt máy ủi, máy xúc và những đoàn xe tải gắn logo “Thái Hưng” tấp nập hoạt động không ngơi nghỉ. Những gầu múc khổng lồ từ máy xúc ùn ùn trút đất xuống xe tải Thái Hưng để vận chuyển đi bán.
Trong khi đại diện BQL cho biết sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Cty CP Cảng Thái Hưng đã bốc xúc san lấp mặt bằng. Toàn bộ số đất đá tại đồi Ghềnh Táu được Cty CP Cảng Thái Hưng ký hợp đồng với nhà thầu là Cty TNHH Olympia để đưa san lấp cho một dự án dưới chân cầu Bãi Cháy. Từ việc này, nguồn thu của Cty CP Cảng Thái Hưng là rất lớn. Như vậy, chưa cần sản xuất, chỉ mới tiếp nhận dự án thì Cty CP Cảng Thái Hưng đã có thể “hái” ra tiền.
Một điều lạ là Dự án Khu dịch vụ hậu cần cảng và kho bãi container tại Khu công nghiệp Cái Lân có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, quy mô 188.272m2 nhưng Cty CP Cảng Thái Hưng với vốn chủ sở hữu chỉ... 20 tỷ đồng vẫn được cấp chứng nhận chủ đầu tư?! Dư luận đồ rằng, với việc bán khoáng sản không kim loại (đất) trong quá trình san lấp mặt bằng, doanh nghiệp này đã có một nguồn vốn “trời cho” khổng lồ, đủ chi phí cho việc thực hiện dự án trên.