Lộ diện… "ăn xổi"
Suốt 2 năm qua, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn kéo theo sự đi xuống của những dự án FDI trong lĩnh vực địa ốc đã từng làm mưa làm gió trên thị trường. Còn nhớ, năm 2007, thị trường BĐS chứng kiến cuộc đổ bộ của các nhà đầu tư nước ngoài. 40% tổng vốn của các DN nước ngoài đã rót vào BĐS. Các DN quan tâm nhiều tới lĩnh vực này hầu hết đến từ Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… Đến khi thị trường khó khăn, kèm theo cơn bão khủng hoảng tài chính thế giới đã khiến nhiều dự án tỷ đô bị sa lầy, thoái vốn và bị rút giấy phép. Trong nước, BĐS đóng băng dẫn đến việc triển khai dự án cầm chừng cũng như làm trì trệ lĩnh vực liên quan: Thi công, sản xuất VLXD. Vốn bị thắt chặt khiến chính những khách hàng trong nước cũng hạn chế nguồn tiền dành cho BĐS. Do đó những dự án có vốn FDI cũng ít đi lượng khách đầu tư. Theo TS Sử Ngọc Khương - chuyên gia kinh tế, ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng rất thận trọng đối với việc đăng ký đầu tư dự án BĐS trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài thì họ nghiên cứu rất kỹ vì tính thanh khoản, việc giải ngân nguồn vốn cũng như sự biến động theo chu kỳ của thị trường.
Ứ vốn với BĐS cao cấp
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, đa số vốn nước ngoài tập trung vào khu vực BĐS cao cấp như nghỉ dưỡng, khách sạn… nhưng phân khúc này lại không hướng tới số đông người tiêu dùng Việt Nam. Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, thị trường đang ứ đọng dòng sản phẩm cao cấp - nhà đầu tư nước ngoài rất ưa chuộng, trong khi dòng sản phẩm bình dân, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp thì chúng ta rất thiếu nhưng DN ngoại lại chưa quan tâm. Quan hệ cung cầu BĐS cần vốn đầu tư nước ngoài tới nay vẫn chưa gặp nhau. Chúng ta cần có những quyết sách, định hướng khơi thông về thể chế pháp lý, cơ chế đầu tư… thì mới khắc phục được điều này.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc các nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi thị trường vì tài chính của họ gặp khó khăn chỉ là một nguyên nhân. Bởi thực chất hầu hết các DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực BĐS đều có tầm vóc và thương hiệu lớn. Nguyên nhân chính ở đây là việc các nhà đầu tư nước ngoài thiếu niềm tin vào thị trường, ngoài ra sự thay đổi về chính sách đầu tư cũng là cản trở đáng kể. Theo ông Đặng Minh - một nhà đầu tư thì, chúng ta cần giải quyết những mặt không thuận lợi về môi trường đầu tư hiện nay, đặc biệt là đến từ những chính sách kinh tế vĩ mô, ngân hàng, kiểm soát lạm phát… những điều nhà đầu tư luôn quan ngại khi nhắm đến thị trường Việt Nam.
Kết luận mới đây của TP Hà Nội còn cho biết, việc chậm tiến độ tại nhiều dự án FDI xuất phát một phần từ việc nhiều nhà đầu tư chỉ đăng ký dự án để… giữ chỗ trong khi năng lực tài chính còn hạn chế. Việc này khiến cho quá trình thực hiện dự án bị kéo dài. Lãnh đạo TP Hà Nội cũng khẳng định, hầu hết các dự án trong quá trình triển khai đều đề nghị điều chỉnh quy hoạch - làm ảnh hưởng tới tiến độ. Về điều này, Luật sư Hà Huy Từ (Cty Luật Hà Huy) phân tích: Hệ thống pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đồng bộ với thực tiễn. Việc tiếp nhận những đề nghị, tháo gỡ khó khăn cho DN FDI trong lĩnh vực BĐS vẫn chưa kịp thời và hợp lý.
Nhìn chung, vì nhiều lý do khác nhau, khá nhiều dự án FDI trong BĐS vẫn ì ạch trong triển khai xây dựng làm ảnh hưởng tới tâm lý người mua và kế hoạch xây dựng của các địa phương. Sự thay đổi hợp lý, phù hợp với thực tiễn về môi trường đầu tư cũng như củng cố hệ thống chế tài quản lý chất lượng nguồn vốn FDI đầu tư vào BĐS của các cơ quan quản lý đóng vai trò chủ chốt trong việc cải thiện thực trạng đáng lo ngại này.
Theo: baoxaydung.com.vn