Các vấn nạn như tảo hôn, ép hôn, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội... đã khiến tỉ lệ ly hôn ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) những năm gần đây ngày càng gia tăng. Khi xảy ra ly hôn, phụ nữ DTTS phải đối diện với rất nhiều khó khăn, trong đó có về đề về tài sản. Vì thế, chị em cần được trang bị những kỹ năng cần thiết giúp bảo vệ quyền lợi về tài sản trong quá trình ly hôn.
Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tỉnh Yên Bái, trong khoảng 5 năm (2018-2023), Tòa án đã giải quyết 10.859 vụ ly hôn. Tính trung bình mỗi năm có trên 1.800 vụ, chia ra mỗi tháng có 150 vụ.
Theo các hồ sơ bản án, nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do: Mâu thuẫn gia đình (8.480 vụ), bạo lực gia đình (275 vụ), ngoại tình (269 vụ), bệnh tật, không có con (10 vụ), nghiện ma túy, rượu chè, cờ bạc (492 vụ), mâu thuẫn về kinh tế (16 vụ), các nguyên nhân khác (trên 1.300 vụ).
Trong các vụ ly hôn, phần lớn người đệ đơn là phụ nữ. Do đặc điểm là đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết về pháp luật hôn nhân và gia đình, nên trong quá trình ly hôn phụ nữ dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn, bất lợi.
Việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ dân tộc thiểu số khi ly hôn là một trong những nội dung quan trọng của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Luật sư Hà Huy Từ chia sẻ cùng bà con và chị em, nhất là chị em phụ nữ DTTS, một số kỹ năng thiết thực giúp chị em hiểu rõ và bảo vệ quyền lợi về tài sản của mình trong quá trình ly hôn.