Đua nhau khởi kiện
Trong đơn kiện chủ đầu tư ra TAND TP Hà Nội, ông Dương Trần Đức (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, đã ký thỏa thuận đặt cọc với Cty Hoàng Thành từ 16-3-2010 để mua căn hộ chung cư cao cấp Mulberry Lane tại khu đất Cổ Ngựa thuộc khu đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông- Hà Nội), với giá 270.820 USD, người mua có thể trả bằng VNĐ, nhưng sẽ phải quy đổi theo tỷ giá USD tại thời điểm trả tiền.
Ông Đức đã nộp đủ tiền đợt 1 là 27.082 USD, tương đương 483.791.000 đồng. Đến hạn nộp tiền đợt 2, phía chủ đầu tư là Cty TNHH Capitaland - Hoàng Thành yêu cầu ông Đức nộp các khoản tiếp theo bằng tỷ giá USD khi USD đang tăng cao.
Ông Đức cho biết: “Nếu cứ tính bằng giá USD mới thì số tiền tôi phải nộp thêm tới mấy trăm triệu đồng. Rõ ràng việc bán nhà bằng USD của chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật về ngoại hối, nên tôi không thể đóng tiền tiếp được”.
Tương tự như trường hợp của ông Đức tại dự án Mulberry Lane, ông N.D.N (Thanh Xuân-Hà Nội) đã làm đơn khởi kiện chủ đầu tư bán căn hộ 123,65m2 với giá 246.290 USD (bao gồm thuế VAT). Ông N đã đóng hết đợt 3 với số tiền 49.653 USD, quy ra tiền Việt là: 937.295.306 đồng. “Khi nhà nước điều chỉnh tỷ giá từ 19.500 VND/USD lên 20.900 VND/USD thì số tiền còn lại phải thanh toán là 197.032 USD khiến tôi mất thêm 275.844.800đồng”, ông N cho biết.
Ngoài ra, ông N còn bức xúc vì bị chủ đầu tư phạt lãi suất quá hạn tới 2,66%/tháng (tức 31,92%/năm). Ông N cho hay: “Bản thân thoả thuận đặt cọc giữa tôi ký với chủ đầu tư thực chất là hợp đồng chủ đầu tư huy động vốn. Thế mà bên cho vay vốn lại phải chịu lãi suất trả chậm là điều hết sức vô lý”.
Cùng trong tâm lý khởi kiện chủ đầu tư, hàng trăm khách hàng dự án chung cư Euro Land thuộc dự án Làng Việt kiều châu Âu (Mỗ Lao, Hà Đông) do Cty TSQ làm đơn tố cáo chủ đầu tư bán nhà bằng USD và áp dụng lãi suất khủng. Một khách hàng tại dự án cho biết, ngày 31-12-2008, ký hợp đồng góp vốn đầu tư tại thời điểm thị trường đang “sốt” giá nên chủ đầu tư áp đặt các điều khoản bất lợi cho khách hàng, tính giá trị căn hộ bằng USD.
Sau hợp đồng góp vốn, quý 3-2009, Cty TSQ ký hợp đồng mua bán căn hộ với các khách hàng, giá bán căn hộ đã được quy đổi ra VND, quy đổi tỷ giá USD/VND tại thời điểm ký hợp đồng mua bán khiến khách hàng phải nộp thêm từ 80 - 100 triệu đồng tuỳ vào diện tích căn hộ.
Liên tiếp trong một thời gian ngắn, khách hàng tại các dự án như: Hill State (Tô Hiệu, Hà Đông) do Cty TNHH Hyundai RNC Hà Tây làm chủ đầu tư, dự án chung cư Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường đồng loạt tố cáo bán nhà theo giá USD. Dù hiện tại, các dự án này đã quy đổi ra tiền Việt nhưng những khách hàng đã mua trước vẫn chịu thiệt hại do biến động tỷ giá so với những khách hàng mua sau.
Có thắng kiện?
Luật sư Tạ Anh Tuấn - Trưởng văn phòng Luật sư Bách Gia Luật & Liên Danh cho biết, hiện TAND TP Hà Nội đã thụ lý hồ sơ khởi kiện của ông Dương Trần Đức. Phía tòa đồng ý để ông Đức và chủ đầu tư là Cty TNHH Capitaland Hoàng Thành hoà giải, nhưng sau hai lần hòa giải, phía chủ đầu tư không đồng ý ông Đức rút lại toàn bộ số tiền đặc cọc và cho rằng số tiền đặc cọc đó thuộc về chủ đầu tư. Thời gian tới phía tòa sẽ sắp xếp hoà giải lần 3, nếu không thể hoà giải, tòa sẽ đưa ra xử theo quy định.
Còn tại dự án Làng Việt kiều Châu Âu, tháng 10-2010, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh thành phố Hà Nội đã kiểm tra Cty TSQ và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi niêm yết giá bằng ngoại tệ (USD) trong các hợp đồng góp vốn giữa công ty và khách.
Còn về tranh chấp giữa khách hàng với chủ đầu tư thì ông Đỗ Trường - Tổng Giám đốc Cty TSQ Việt Nam cho biết: “Sẽ giảm 25% tiền chênh lệch tỷ giá cho toàn bộ khách hàng đã nhận bàn giao nhà giai đoạn I và ký Phụ lục Hợp đồng với công ty trước ngày 13-1-2012 và không phát đơn kiện công ty ra tòa”.
Một luật sư cho biết, khả năng phía nguyên đơn thắng kiện rất cao, vì chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật Việt Nam khi buộc người dân mua nhà phải trả quy đổi bằng USD. Khi đó, hợp đồng sẽ bị tuyên vô hiệu, và chủ đầu tư sẽ phải trả lại tiền cho khách hàng. Còn khách hàng trả lại nhà cho chủ đầu tư.
Tác giả: Ngọc Mai - Nguyễn Tú
(landtoday.net)
-----------------------
Ý kiến phản hồi của Luật sư Hà Huy Từ về vấn đề trên:
Bên cạnh giao dịch chuyển nhượng bất động sản giữa chủ đầu tư và khách hàng thì cũng tồn tại quan hệ giao dịch với bên thứ ba: chủ đầu tư - khách hàng đầu tiên - khách hàng tiếp theo. Do đó, cần lưu ý trường hợp người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu thì được pháp luật bảo vệ. Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Trong trường hợp tài sản đã giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu"
Đường link:
http://landtoday.net/vn/doanhnghiep/34673/bi-kien-vi-ban-nha-bang-usd.aspx